Cách đây gần 2 năm, thị trường chứng khoán Việt chứng kiến cuộc đua “có một không hai” tới vị trí người giàu nhất. Hai vị đại gia bất động sản là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (FLC), đã có cuộc rượt đuổi tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Cuộc đua tài sản trên sàn chứng khoán
Trước năm 2016, Phạm Nhật Vượng là cái tên quen thuộc trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam khi vị đại gia xếp thứ nhất về số tài sản trên sàn chứng khoán suốt 7 năm liên tiếp. Ít ai nghĩ rằng ông có thể bị "soán ngôi" khi tổng tài sản luôn gấp vài lần những người đứng sau.
Tính đến cuối năm 2015, số tài sản ông Vượng sở hữu trên sàn chứng khoán hơn người xếp thứ 2 là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tới 5 lần; hơn ông Quyết tới 25 lần. Ông Quyết thậm chí không có tên trong các xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, trong năm 2016 nhờ việc đưa cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros lên sàn, và liên tục được "thổi giá", ông Quyết trở thành đại gia mới nổi trên sàn chứng khoán Việt.
Từ việc không được xếp hạng, đến ngày 11/11/2016 lần đầu tiên sau 7 năm vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt đổi chủ khi giá trị cổ phiếu mà ông Quyết sở hữu vượt ngưỡng 31.000 tỷ đồng. Cụ thể, chiều ngày 11/11/2016 cả 2 cổ phiếu FLC và ROS đều tăng giá đưa tổng tài sản của ông Quyết đạt 31.100 tỷ đồng, vượt ông Phạm Nhật Vượng lúc đó có tổng tài sản là 30.664 tỷ.
Ông Trịnh Văn Quyết là người duy nhất từng vượt mặt ông Phạm Nhật Vượng về giá trị cổ phiếu sở hữu trên sàn chứng khoán trong hơn 9 năm qua. Đồ họa: Hiền Đức. |
Tuy nhiên, chỉ 1 giờ sau, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng thêm 500 đồng/cổ phiếu, đẩy khối tài sản của ông Vượng lên mức 31.300 tỷ đồng và lấy lại vị trí người giàu nhất nhờ phần chênh 200 tỷ đồng so với vị đại gia họ Trịnh.
Chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng đây là dấu mốc lớn trên thị trường chứng khoán khi đó. Lần đầu tiên sau 7 năm ông Vượng đã bị "soán ngôi" chỉ trong tích tắc. Ông Quyết thậm chí chiếm giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán trong một thời gian đáng kể, với giá trị cổ phiếu có lúc đạt trên 70.000 tỷ đồng, nhờ sự tăng giá thần tốc của các cổ phiếu mà ông nắm giữ.
Người vững vàng, người tụt dốc
Sau gần 2 năm, cuộc đua song mã ngày nào chỉ còn là quá khứ khi khối tài sản của 2 vị đại gia này đã thay đổi rất nhiều, theo hai chiều trái ngược.
Nhờ đà tăng rất mạnh của cổ phiếu VIC từ giữa năm 2017, khối tài sản từ cổ phiếu của ông Vượng hiện đã tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước, đạt xấp xỉ 90.000 tỷ đồng. Một lần nữa, cái tên Phạm Nhật Vượng trở nên khó bị đánh bại trên sàn chứng khoán Việt khi người ở vị trí thứ 2 hiện nay là ông Trần Đình Long mới chỉ sở hữu trên 22.000 tỷ đồng, chưa tới 1/4 so với ông Vượng.
Những cái tên phía sau như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air (VJC), hay Chủ tịch Tập đoàn Novaland (NVL) - ông Bùi Thành Nhơn, đều khó có cơ hội để vượt mặt khối tài sản tỷ USD của ông chủ tập đoàn Vingroup nhờ cổ phiếu doanh nghiệp đang niêm yết.
|
Đấy mới chỉ là tài sản trên sàn chứng khoán. Theo thống kê mới nhất của Tạp chí Forbes, khối tài sản ròng mà vị đại gia họ Phạm này đang nắm giữ còn lớn hơn nhiều con số 90.000 tỷ đồng. Hiện ông là tỷ phú giàu thứ 236 thế giới với khối tài sản ròng đạt 6,7 tỷ USD. Số này cao hơn gấp đôi so với người xếp thứ 2 tại Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với 2,9 tỷ USD tài sản ròng.
Trong khi đó, đà giảm không hồi kết của ROS đang khiến tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết bốc hơi với tốc độ nhanh không kém cách nó tăng. Có thời điểm chỉ trong 3 ngày, vốn hóa của cổ phiếu ROS đã bay tới nửa tỷ USD. Từ một cổ phiếu nằm thuộc tốp, thị giá của thị trường khi đạt trên 214.000 đồng/cổ phiếu (chưa điều chỉnh), hiện ROS chỉ còn được giao dịch quanh mức 40.000 đồng và vẫn đang giảm dần qua từng phiên.
Kéo theo đó là khối tài sản hơn 70.000 tỷ đồng của ông Quyết hiện giảm chỉ còn hơn 16.000 tỷ đồng. Từ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán hiện đại gia này đã rớt xuống vị trí thứ 4. Nếu tiếp tục đà giảm này, ROS có thể khiến khối tài sản của ông Quyết không giữ được vị trí trong tốp 5.
Đáng nói, ở giai đoạn thăng hoa nhất với khối tài sản từ chứng khoán đạt trên 70.000 tỷ đồng, ông Quyết cũng chưa bao giờ lọt vào danh sách tỷ phú USD của thế giới.
Ngã rẽ mới của hai đại gia bất động sản
Không chỉ vị thế tài sản trên sàn chứng khoán thay đổi, định hướng kinh doanh của hai đại gia này cũng điều chỉnh thời gian qua. Cùng làm giàu trong lĩnh vực bất động sản, hiện cả ông Vượng và ông Quyết đều lựa chọn cho mình hướng đi mới.
Về phần mình, ngoài những thương hiệu đã gây dựng được như Vincom, Vinmart, VinEco, Vinmec… tỷ phú Vượng dấn thân vào xây dựng thương hiệu ôtô Việt với dự án VinFast từ năm 2017.
VinFast đang trở thành dự án có giá trị đầu tư lớn nhất của ông Phạm Nhật Vượng. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Tập đoàn Vingroup, tập đoàn này đã rót gần 7.500 tỷ đồng vào dự án VinFast. Theo lộ trình, dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn với giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD và giai đoạn 2 là 3,5 tỷ USD.
Mới đây, sau hơn 1 năm tuyên bố đầu tư vào dự án này, thương hiệu ôtô VinFast đã chính thức trình làng hai mẫu xe đầu tiên tại sự kiện Paris Motor Show 2018, là hãng sản xuất ôtô đầu tiên của Việt Nam làm được điều này. VinFast cũng không ngại bày tỏ ý định mang thương hiệu ôtô Việt xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.
Bên cạnh đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng mới thành lập Vintech, để tham gia vào cuộc đua công nghệ, tham vọng trở thành tập đoàn công nghiệp - công nghệ. Nguồn tin cho biết năm 2019, không chỉ sản phẩm ôtô, xe máy mang thương hiệu VinFast chính thức ra mắt tại Việt Nam, mà ông chủ tập đoàn Vingroup cũng cho ra mắt điện thoại thương hiệu Việt. Hành trình của ông Vượng đã thực sự chuyển từ tỷ phú bất động sản qua tỷ phú đa ngành, với những tham vọng lớn.
Trong khi đó, ông Quyết lại tham gia vào lĩnh vực hàng không với việc thành lập Công ty Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Hiện tập đoàn này cũng có kế hoạch để tăng vốn Bamboo Airways lên 1.300 tỷ đồng trong thời gian tới.
Tham vọng của đại gia họ Trịnh được khẳng định bằng việc ký hợp đồng đặt mua 44 máy bay mới từ hai hãng Boeing và Airbus với tổng giá trị hợp đồng lên tới 8,6 tỷ USD.
Với 44 máy bay, nếu được nhận bàn giao và sử dụng hết, Bamboo Airways sẽ sở hữu lượng máy bay gấp 2,75 lần Vietjet Air và chỉ kém 7 chiếc so với Vietnam Airlines đang sở hữu hiện tại.
Bamboo Airways là dự án đầy tham vọng của đại gia Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày trước thời điểm dự kiến cất cánh chuyến bay đầu tiên - ngày 10/10, hãng này vẫn chưa được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Trong khi chờ đợi, hãng cũng đã làm thủ tục thuê 3 tàu bay và đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp số đăng ký vào ngày 5/9 vừa qua. Hãng cho biết dự kiến tiếp nhận hai máy bay là A319, A320 vào tháng 11 năm nay và một chiếc A320 vào tháng 1 năm sau. Như vậy tới 10/10, thời điểm mà hãng dự kiến có chuyến bay thương mại đầu tiên, nhiều khả năng Bamboo Airways vẫn chưa có máy bay nào được Cục Hàng không cấp đăng ký. Ngoài ra, cả 3 máy bay mà Bamboo Airways chuẩn bị thuê đều khá cũ với tuổi đời trung bình khoảng 12 năm.
Mới đây, Bamboo Airways cũng công bố kế hoạch sẽ thuê thêm 3 máy bay Airbus A320 NEO chưa qua sử dụng từ đối tác để sử dụng trước khi các máy bay đặt mua được bàn giao từ 2019 đến 2022.
Tuy nhiên, tham vọng hàng không của ông Quyết sẽ còn phải chờ đợi, ít nhất là phải được cấp phép bay.
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn