Du lịch

Nét tương phản giữa cuộc sống tại Triều Tiên và Hàn Quốc

Người Triều Tiên ăn mặc giản dị, theo xu hướng truyền thống trong khi người Hàn Quốc hiện đại, ảnh hưởng của phương Tây.

Ngày 18/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt đầu chuyến thăm Triều Tiên chính thức kéo dài ba ngày. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un, trong năm 2018. Trong khi hai nhà lãnh đạo nỗ lực hàn gắn vết thương trong quá khứ, công dân của mỗi quốc gia vẫn chưa thể tự do di chuyển sang bên kia biên giới, theo AFP.

Nhiếp ảnh gia Ed Jones, làm việc tại Seoul, đã ghi lại loạt ảnh phản ánh những khác biệt và điểm tương đồng về cuộc sống của người dân Triều Tiên và Hàn Quốc. Theo vị trí địa lý, ông luôn đặt những tấm chân dung chụp người Triều Tiên lên trên. Ông tiết lộ những tác phẩm của mình ít tập trung vào kỹ thuật xử lý, mà nhằm vào cách tiếp cận: "Đó là một phong cách nhiếp ảnh chân thật để làm nổi bật câu chuyện giữa hai quốc gia. Bạn có thể đặt những tấm ảnh ngang nhau, nhưng thực tế người dân hai nước không thể sánh vai trong đời thực, có nét gì đó rất lôi cuốn về điều này".

Ri Song Hui, 21 tuổi (trên), chụp ảnh trong công viên nước Munsu ở Bình Nhưỡng. Khu vui chơi này được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xây dựng vào năm 2013.

Trong ảnh dưới, Kwon Ye Seul, 30 tuổi, tạo dáng giữa khu vui chơi của công viên nước Vịnh Carribean, phía nam Seoul. Đây công viên nước lớn nhất thế giới khi mới khai trương năm 1996, thuộc sở hữu của công ty giải trí Everland.

Phía trên là tấm chân dung của bé Kim Song Jong, 9 tuổi, sau buổi biểu diễn văn nghệ nhân Ngày Thiếu nhi tại Bình Nhưỡng. Ảnh dưới chụp bé Yoon Hyerim, 10 tuổi, tạo dáng trước trung tâm thương mại Dongdaemun Design Plaza sau một màn nhảy tại Tuần lễ Thời trang Seoul.

Phép so sánh nhỏ này cho thấy người Triều Tiên chuộng trang phục theo phong cách thiết kế truyền thống, trong khi đó người Hàn Quốc tiếp nhận nhiều xu hướng thời trang phương Tây.

Nhiếp ảnh gia Ed Jones chụp tấm chân dung của huấn luyện viên bắn súng Kim Su Ryon (trên) tại trường bắn Maeri ở Bình Nhưỡng. Trong khi đó, tác phẩm bên dưới chụp huấn luyện viên Lee Chi-yoon tại trường bắn Mokdong giữa thủ đô Seoul.

Triều Tiên và Hàn Quốc đều ban hành luật quy định chặt chẽ về sở hữu vũ khí, nhưng những hoạt động huấn luyện sử dụng vũ khí đều phát triển mạnh do hai quốc gia thực hiện chương trình nghĩa vụ quân sự bắt buộc với công dân.

Phía trên là ảnh chân dung của chàng sinh viên Pak Kum Ryong, 23 tuổi, chụp tại một quảng trường ở Bình Nhưỡng, còn bên dưới là ảnh Lim Jun-beom, sinh viên 24 tuổi, đứng giữa phố đi bộ Sinchon ở Seoul.

Triều Tiên thống kê có khoảng 200 trường đại học hoạt động tại quốc gia này, danh giá nhất là Đại học Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng, miễn 100% học phí cho sinh viên. Trong khi đó, Hàn Quốc có nhiều trường đại học, cao đẳng hơn song phần lớn đều có mức học phí cao.

Phía trên là Choe Un Hwa, một phụ nữ Triều Tiên, đứng trong công viên nước Munsu của Bình Nhưỡng, trong khi nhân viên cứu hộ Kim Young-hoon (dưới) đang tạo dáng giữa công viên nước Nhất Sơn ở Ilsan, Hàn Quốc. Cuộc sống của những người may mắn ở Bình Nhưỡng cũng giống như cuộc sống của công dân ở nhiều thủ đô trên thế giới, nhưng những công dân sống ở các vùng xa xôi hơn không thể có đủ điều kiện như vậy.

Hong Kum Ju, 27 tuổi (ảnh trên), đang đứng trong một nhà máy thực phẩm nằm ở Wonsan, thành phố cảng phía bắc Triều Tiên. Bức chân dung bên dưới là Kim Si-eun, 49 tuổi, đứng trong một nhà máy sản xuất thịt hộp ở Jincheon, phía nam thủ đô Seoul.

Thịt hộp Hàn Quốc là một trong những mặt hàng được bán đi khắp thế giới, trong khi đó hàng hóa Triều Tiên không thể xuất khẩu ra bất cứ quốc gia nào khi lệnh trừng phạt kinh tế có hiệu lực.

Ri Young Hwa, sinh viên 19 tuổi (ảnh trên), là một tình nguyện viên làm việc trong phòng thí nghiệm máy tính tại tòa nhà Scitech ở Bình Nhưỡng. Tấm chân dung bên dưới là Jenni Lim, 21 tuổi, chụp trong một phòng thí nghiệm máy tính của Đại học Yonsei ở Seoul.

Trong khi chính phủ Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ việc công dân tiếp xúc với công nghệ, quốc gia này từng bị nghi ngờ sở hữu những hệ thống máy tính tân tiến, tung ra mã độc WannaCry hồi tháng 5/2017 và thực hiện vụ tấn công mạng Sony Pictures vào cuối năm 2014.

Bức chân dung phía trên chụp ông Kim Young Guk, nông dân Triều Tiên trước cánh đồng sâm tại thành phố Kaesong. Ảnh dưới là ông Hwang In-suk, nông dân Hàn Quốc, chụp trên sân sau nhà, gần hàng rào trong khu phi quân sự DMZ, trêm đảo Gyodong.

Ước tính khoảng 25% người dân Triều Tiên làm nghề nông, trong khi đó lượng người làm nông tại Hàn Quốc đang giảm dần, chỉ một số ít sản xuất lương thực, thực phẩm.

Phía trên là chân dung chị Ri Kum Hui đứng trước ống kính sau buổi diễu hành quân đội tại Bình Nhưỡng, ảnh dưới là Park Sae-hun, một thiếu tướng về hưu, đang cầm tấm bảng ghi dòng chữ "gửi vũ khí hạt nhân chiến lược tới đây", trong một cuộc biểu tình yêu cầu Hàn Quốc tái triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ để đối phó với mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên. Dù chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên, chưa có một hiệp định hòa bình nào được ký kết.

Ảnh trên chụp ảnh Han Gwang Rim, 34 tuổi, cùng con gái Su Ryon đi siêu thị tại Bình Nhưỡng; bên dưới là anh Hong Sung-cho, 35 tuổi đưa con trai 2 tuổi, Hong Jinu, mua sắm trong một siêu thị ở Bundang, gần Seoul.

Những mặt hàng bán tại siêu thị của Triều Tiên đôi khi có bao bì như những sản phẩm của phương Tây, nhưng thành phần và khẩu phần thực tế do chính phủ quy định. Trong khi đó, người Hàn Quốc có thể mua sắm thực phẩm trong những siêu thị tư nhân.

Kim Su Hyang, 18 tuổi (trên), chụp ảnh ở trạm xăng nơi cô làm việc ở Bình Nhưỡng, trong ảnh dưới là chân dung một nhân viên tại một trạm xăng gần thành phố Goyang, Hàn Quốc.

Khoảng 50% dân số Hàn Quốc sở hữu xe riêng, trong khi quyền sở hữu xe bị hạn chế nghiêm ngặt ở Triều Tiên, chỉ ưu tiên người trong quân đội, ngành công nghiệp xây dựng và trung thành nhất với chính phủ.

Kim Il Soo (trên) lái cano chở khách trên sông Taedong ở Bình Nhưỡng trong khi Kim Kun Ho, 25 tuổi (dưới) đứng chụp trên du thuyền thể thao trên sông Hàn ở Seoul.

Du lịch Triều Tiên còn hạn chế nhưng quốc gia này vẫn thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm, hầu hết họ chỉ tham quan thủ đô Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Hàn Quốc có hàng triệu khách du lịch mỗi năm, chủ yếu từ Trung Quốc.

Ảnh trên là Trung úy Quân đội Nhân dân Triều Tiên họ Kim đứng ở phía bắc làng đình chiến Panmunjom, tại khu phi quân sự DMZ. Trong khi đó, hạ sĩ Woo (ảnh dưới) chỉ đứng cách điểm này vài trăm mét về phía nam của DMZ.

Choi Hee Ok (ảnh trên) chụp chân dung tại đài quan sát trên tháp Juche ở Bình Nhưỡng, trong khi Bang Sung-hee đứng ở đài quan sát của tòa nhà 63 ở Seoul.

Bình Nhưỡng chỉ cách xa Seoul gần 200 km qua khu phi quân sự DMZ. Chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc đang có kế hoạch mở tuyến đường sắt chung để khuyến khích du khách đi qua biên giới.

Tác giả: Phạm Huyền

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP