Mắc bệnh trĩ hơn 1 năm, nam thanh niên 27 tuổi không đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị mà quyết định mua thuốc dân gian về đắp vì e ngại.
Sau khoảng 1 tuần, người bệnh bắt đầu thấy đau rát vùng mông. Trên da xuất hiện các vết loét rộng khoảng 5 cm có nhiều tổ chức hoại tử, chảy dịch vàng. Lúc này, anh mới vội vàng đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) để điều trị.
Người bệnh được chẩn đoán loét da quanh hậu môn, hoại tử tầng sinh môn. Anh được các bác sĩ điều trị kháng sinh để khắc phục tình trạng loét da, sau đó xem xét phẫu thuật để khắc phục vết thương tầng sinh môn...
Theo TS.BS Vũ Đức Thụ, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa và Tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, trĩ là bệnh khó nói và tế nhị. Do vậy, nhiều người ngại đến các cơ sở y tế để thăm khám mà tự tìm đến các bài thuốc truyền miệng.
Trĩ là tình trạng các cụm tĩnh mạch nằm bên trong hậu môn và trực tràng bị phồng, sưng lên do chịu nhiều áp lực và chèn ép liên tục trong thời gian dài gây ra. Bệnh trĩ được chia làm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại.
Cả nam và nữ đều có thể bị trĩ, nhất là người từ 30 đến 60 tuổi. Cứ 2 người trên 50 tuổi thì có một người bị trĩ (ít nhất 1 lần trong đời).
Búi trĩ có thể phát triển do:
Rặn khi đi cầu
Ngồi lâu trên bồn cầu
Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
Béo phì
Mang thai
Chế độ ăn ít chất xơ
Người bệnh có thể nhận biết bản thân đang mắc bệnh trĩ thông qua 3 biểu hiện:
Đại tiện ra máu tươi
Phát hiện khối bất thường ở hậu môn
Đau đột ngột vùng hậu môn
Bác sĩ Thụ cho biết thêm hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ như phẫu thuật bằng phương pháp longo, laser, tiêm xơ… Việc điều trị cần phải dựa vào tình trạng cụ thể của từng người. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp hỗ trợ điều trị phù hợp.
Tác giả: Kỳ Duyên
Nguồn tin: lifestyle.znews.vn