Pháp luật

Mức án mà các đối tượng chống đối tại Đồng Tâm phải đối mặt?

"Trong vụ án này, với hậu quả 03 chiến sỹ hy sinh, nếu có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng vẫn phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình", luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.

Liên quan đến các đối tượng gây vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) làm ba cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh, ngày 20/1, trao đổi Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hiện đã có 20 bị can bị khởi tố về tội Giết người - con số kỷ lục trong một vụ án.

Luật sư Thơm phân tích, đây là vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng đã lên kế hoạch chặt chẽ, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị vũ khí, hung khí nguy hiểm để đối phó với các lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Xét hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội Giết người và tội Chống người thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, d, n, o Khoản 1 Điều 123 và Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức.

Điều 330 tội chống người thi hành công vụ quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

3 trong số các đối tượng bị bắt ở Đồng Tâm. Ảnh: VTV

"Về nguyên tắc, khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hình phạt tử hình được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội Giết người khi xét thấy không có khả năng giáo dục cải tạo, là kẻ chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực và không còn tính người.

Trong vụ án này, với hậu quả 03 chiến sỹ hy sinh, nếu có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng vẫn phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình", luật sư Thơm cho biết.

Cũng liên quan đến vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào ngày 09/01, theo ANTV, qua công tác điều tra vụ án: giết người; tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và chống người thi hành công, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan.

Bộ Công an thông báo và đề nghị các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nâng cao cảnh giác, không gửi tiền vào tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.

Hiện, cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản số 0611001987139 mở tại Ngân hàng VCB mang tên NGUYEN THUY HANH. Danh sách các tài khoản nghi vấn liên quan, Bộ Công an sẽ thường xuyên cập nhật khi có thông tin.

Liên quan đến đất sân bay Miếu Môn ở xã Đồng Tâm, dưới vỏ bọc chống tham nhũng, bằng cách thông tin lập lờ thông qua mạng xã hội Facebook, youtube, nhóm đối tượng gây rối ở Đồng Tâm đã kích động, lôi kéo người dân trong suốt hơn 2 năm qua.

Lê Đình Kình và nhóm đồng thuận đưa thông tin lên mạng xã hội khẳng định, sự việc ở Đồng Tâm liên quan đến 2 khu đất nằm kề nhau, tạm gọi khu A: 47.36ha và khu B: 59ha là khu tranh chấp. Lê Đình Kình thừa nhận đất khu A là đất quốc phòng và đã bàn giao, còn khu B (hay còn gọi là đất Đồng Sênh) là đất nông nghiệp nên cáo buộc chính quyền muốn lấy 59ha của khu B thì phải đền bù. Theo cách nói này của Lê Đình Kình, thì đất quốc phòng nằm trên địa giới Đồng Tâm vào khoảng 106ha.

Tuy nhiên, theo bản đồ quản lý đất sân bay Miếu Môn năm 1992 cùng các mốc giới bê tông cốt thép được các đơn vị quân đội cắm từ những năm 1980 thể hiện: đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm chỉ có hơn 64ha, là khớp với đo đạc của Thanh tra Chính phủ và bản đồ vệ tinh. Vừa qua, các đơn vị của Bộ Quốc phòng xây dựng tường bao quanh 64 ha này là đúng.

Trong số hơn 64ha đã được các xã Đồng Tâm bàn giao cho Bộ quốc phòng, các đơn vị quốc phòng quản lý đất đã ký hợp đồng canh tác với UBND xã Đồng Tâm, rồi thiếu quản lý để người dân lấn chiếm. Liên quan sự việc này đã có 30 cán bộ bị xử lý, trong đó có 1 số cán bộ bị xử lý hình sự.

Tác giả: Chi Chi (T/h)

Nguồn tin: doisongplus.vn

  Từ khóa: Lê Đình Kình ,Đồng Tâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP