Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 quy định, việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân chỉ được thực hiện tại các địa điểm được phép mua/bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép.
Quyết định xử phạt anh Rê |
Như vậy, hành vi đổi USD tại tiệm vàng được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ được quy định tại Nghị định 96/2014 của Chính phủ.
Mức xử phạt hành chính là từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ;... " và từ 150-200 triệu đồng đối với hành vi thực hiện giao dịch hối đoái không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị phạt 500-600 triệu đồng.
Thậm chí, với hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau, hay quy đổi không đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định... cũng sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đến 80 triệu đồng và tịch thu số ngoại tệ, tiền Việt Nam Đồng trong giao dịch trái phép này.
Đổi USD ở đâu để không bị xử phạt?
Quy định của pháp luật đã khá rõ ràng, nhưng hoạt động mua bán ngoại tệ, trong đó phổ biến nhất là mua bán USD tại tiệm vàng vẫn diễn ra công khai và phổ biến. Điều đáng nói, rất nhiều người vẫn không hề hay biết việc đổi USD ở tiệm vàng là vi phạm pháp luật.
Vậy, đổi USD ở đâu là hợp pháp? Nội dung này được Ngân hàng Nhà nước quy định khá rõ ràng tại Thông tư 20/2011/TT-NHNN.
Cụ thể, việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Riêng việc bán ngoại tệ còn có thể được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.
|
Ngoài ra, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) được phép thực hiện nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ tiền mặt với cá nhân có trách nhiệm:
+ Thông báo bằng văn bản đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) về việc thực hiện mua, bán ngoại tệ tiền mặt với cá nhân.
+ Thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang tin điện tử của tổ chức tín dụng được phép.
+ Thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn.
Bởi vậy, khi muốn bán USD nói riêng và ngoại tệ nói chung thì cần lên trang tin điện tử của tổ chức tín dụng xem cụ thể địa điểm được mua, bán ngoại tệ để đến đó bán ngoại tệ.
Có được đổi ngoại tệ ở tiệm vàng?
Hiện nay, hầu hết cơ sở kinh doanh, tiệm vàng đều không được cấp phép mua, bán ngoại tệ mà chủ yếu vẫn là tự phát với mác "chợ đen".
Tuy nhiên, khu vực phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm), nơi vốn được xem là phố ngoại tệ của Hà Nội với hoạt động mua, bán diễn ra rất sôi nổi. Tại một số cơ sở ở đây, tỷ giá quy đổi cũng cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại.
Song vẫn có một số cửa hàng được cấp phép kinh doanh ngoại tệ nếu đáp ứng một số điều kiện mà người dân có thể căn cứ vào đó để nhận biết cơ sở kinh doanh hợp pháp.
Dễ nhận ra nhất chính là cơ sở kinh doanh ngoại tệ phải có bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền. Vì các cơ sở này chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng, ngân hàng ủy quyền để trở thành đại lý mua, bán ngoại tệ và tỷ giá tại đây cũng phải công khai tuân thủ theo tổ chức tín dụng ủy quyền.
Đặc biệt, mỗi cửa hàng chỉ được làm đại lý cho một tổ chức tín dụng, và chỉ được đặt tại địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức tín dụng có trụ sở chính hoặc chi nhánh.
Không chỉ thế, người dùng cũng có thể mua bán ngoại tệ qua mạng, do nhiều cá nhân cung cấp, mang đến thu đổi tận nhà.
Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều được cấp phép mua, bán ngoại tệ. Ngoài ra người dân có thể tìm đến các tổ chức tín dụng, tiệm vàng có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Các tiệm vàng cũng có thể được cấp phép đổi ngoại tệ nếu nằm tại cơ sở lưu trú du lịch 3 sao trở lên; khu vui chơi giải trí có thưởng cho khách nước ngoài; văn phòng bán vé của hãng hàng không; cửa khẩu... Nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất như có nơi giao dịch riêng, được trang bị đầy đủ phương tiện như máy fax, két sắt, tên đại lý đổi tiền tệ...
Các nhân viên làm việc tại đây phải có giấy xác nhận được tổ chức tín dụng cấp, được đào tạo và tập huyến về kỹ năng nhận biết loại tiền tệ thật, giả... Căn cứ vào một số điểm dễ nhận dạng này, người dân có thể nhận biết đâu là cơ sở kinh doanh ngoại tệ hợp pháp, tránh trường hợp bị xử phạt hàng chục triệu đồng chỉ vì đổi số lượng nhỏ ngoại tệ.
Để tránh bị phạt, tịch thu ngoại tệ
Trên báo Pháp luật TP.HCM, Luật sư (LS) Trần Đình Phương, Trưởng Văn phòng LS Trần Phương, cho hay, theo Nghị định 96/2014, nếu người dân đổi ngoại tệ tại tiệm vàng không được cấp phép sẽ bị xử phạt tiền, đồng thời bị tịch thu số ngoại tệ đó.
Điều này có nghĩa các tiệm vàng, khách sạn... muốn hoạt động đổi ngoại tệ phải đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Trường hợp tổ chức kinh tế không có giấy phép vẫn thu đổi ngoại tệ thì không chỉ tổ chức này bị xử lý hành chính mà người có nhu cầu đổi ngoại tệ cũng bị xử lý.
Tuy vậy, theo LS Phương, thường người dân có thói quen chọn tiệm vàng gần nhà để đổi ngoại tệ cho tiện và được lợi một chút về mặt tỉ giá mà không quan tâm đến các rủi ro bị xử phạt hành chính. Điều này là do không nắm được luật hoặc chủ quan cho rằng đổi tiền mệnh giá nhỏ nên cơ quan chức năng không để ý; ngại phải khai báo thủ tục và thời gian chờ đợi lâu.
Do vậy, LS Phương khuyến nghị để tránh các rủi ro từ việc đổi ngoại tệ tại thị trường chợ đen, người dân nên vào các quầy đổi ngoại tệ của ngân hàng. Hoặc vẫn có thể đổi ngoại tệ ở những tiệm vàng nếu như biết chắc chắn rằng nơi đó đã được cơ quan chức năng cấp phép. “Làm đúng điều này, người dân sẽ tránh được việc bị phạt tiền nặng và bị tịch thu ngoại tệ theo quy định” - LS Phương khuyên.
Việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn Ông Nguyễn Hoàng Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết hàng tháng Ngân hàng Nhà nước cung cấp danh sách các điểm được phép kinh doanh vàng và ngoại tệ về cho các địa bàn quận huyện. Sau đó, cơ quan công an địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra. Ngoài việc không đủ người, Công an Thành phố không có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính mà chỉ được lập biên bản ghi nhận sự việc. Sau đó, cơ quan này chuyển hồ sơ đề nghị Cục thanh tra giám sát Ngân hàng TP HCM (Cục II) xem xét xử lý vi phạm. Có những vụ việc có mức phạt vượt quá thẩm quyền thì cục II lại phải chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Thanh tra, giám sát ra quyết định xử phạt. Điều này khiến vụ việc kéo dài, thậm chí quá thời hạn xử lý. Trước bất cập này, mới đây, ông Minh cho biết Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã phối hợp với công an, Sở tư pháp Thành phố xây dựng dự thảo văn bản trình UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 theo hướng cho phép lực lượng Công an Thành phố có thẩm quyền lập biên bản xử lý hành chính các vụ vi phạm liên quan đến mua bán ngoại tệ. Việt Dũng |
Tác giả: Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VietNamNet