Số hóa

Màn hình cong hay phẳng sẽ là hướng đi mới cho smartphone?

Thành công của Samsung với chiếc Galaxy S6 Edge màn hình cong khiến cho hàng loạt tên tuổi như Xiaomi, Huawei, Vivo, và thậm chí là Apple phải học hỏi.

Những phiên bản đầu tiên dòng Galaxy S của Samsung từng là đề tài gây tranh cãi vì quá giống iPhone của Apple. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc ngày càng chứng tỏ khả năng của mình: chính họ là người đã tạo ra thuật ngữ "phablet" với dòng Note nổi tiếng toàn cầu.

Không dừng lại ở đó, 2 năm trước, gã khổng lồ điện tử tiếp tục tạo ra trào lưu mới mà đến bây giờ vẫn được xem như một cuộc cách mạng: màn hình cong trên smartphone.

Khi bộ đôi Galaxy S6 ra mắt vào tháng 3/2015, Samsung đã tái định nghĩa khái niệm di động thông minh. Đây là lần đầu tiên hãng đưa thiết kế kim loại và kính vào smartphone của mình, đồng thời xuất hiện những đường cong tuyệt đẹp trên chiếc S6 Edge. Dù cho người dùng đã có cái nhìn sơ bộ về công nghệ màn hình mới này trên Galaxy Note Edge, S6 Edge lại là phiên bản thương mại đầu tiên được trang bị màn hình cong hai bên.

Thành công của S6 Edge vượt ra ngoài mong đợi của Samsung, nhu cầu sản phẩm cao đến mức khiến hãng phải mở thêm nhà máy thứ 3 để sản xuất màn hình cong 3D.

Samsung cùng với Galaxy S6 Edge đã đạt được thành công vang dội. Ảnh: Android Authority.

Những hạn chế của màn hình cong

Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp chết người đó, màn hình cong cũng bộc lộ những điểm yếu, đặc biệt khi xét đến độ bền. Đối với màn hình phẳng thông thường, các góc (thường là điểm yếu nhất trên smartphone) sẽ làm bằng kim loại, nhựa hay gốm để nhận và tản lực khi có va đập. Trên những thiết kế cong 2 cạnh, các viền hay góc chủ yếu được làm bằng kính.

Vì thế, nếu không may làm rơi smartphone khỏi tay, người dùng sẽ tốn gần 1/3 giá thành sản phẩm để thay thế màn hình mới. Theo Android Authority, mất khoảng 270 USD chi phí để thay màn hình Galaxy S7.

Vấn đề còn trở nên khó khăn hơn khi hiện nay, chưa có loại vỏ điện thoại nào thực sự thích hợp với công nghệ màn hình này.

Một bất cập khác không thể không nhắc đến, đó là một chiếc điện thoại màn hình cong sẽ gây ra không ít khó chịu nếu bạn lỡ tay chạm vào. Theo cây bút Brian Reigh của trang Android Authority, dù ông chưa phải đối mặt với vấn đề vô tình chạm màn hình S7 Edge nhưng đôi khi, chế độ nhận diện chạm của máy vẫn hoạt động chưa đủ tốt.

Tác giả cho rằng nguyên do có lẽ vì phần thịt dưới ngón tay ông quá dày, khiến màn hình máy thường nhận những lần vô tình chạm đó là chính, đồng thời loại bỏ các ngón tay.

Đối với smartphone màn hình phẳng, chắc chắn người dùng sẽ không mắc phải vấn đề này. Hy vọng trong tương lai, khi Galaxy S8 xuất hiện vẫn với màn hình cong, Samsung sẽ khắc phục được tình trạng này.

Cần thêm thời gian

Cùng với thành công của các phiên bản smartphone màn hình cong, Samsung tiếp tục đẩy mạnh công nghệ này trên flagship của hãng. Điều này mang đến kết quả: Galaxy Note 7 chỉ có duy nhất một phiên bản màn hình cong, bỏ đi hoàn toàn phiên bản màn hình phẳng từng có trước đó.

Như đã nói, đây hoàn toàn là quyết định mang đậm tính thẩm mỹ của công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận nỗ lực của Samsung lẫn các OEM Trung Quốc. Họ đã rất cố gắng để "tận dụng" khoảng trống trên các cạnh cong, thường là nơi trượt thanh công cụ để truy cập ứng dụng, các phím tắt...

Brian Reigh cho biết, dù rất thích tính năng thước kẻ trên S7 Edge, nhưng khi trải nghiệm thực tế, nhiều món đồ cần đo lại vượt quá độ dài đơn vị đo. Tương tự như vậy, nhiều tính năng khác không quá hữu ích và bị người dùng lãng quên.

Thành công của Samsung khiến nhiều tên tuổi khác phải học tập. Ảnh: iTweety.


Trường hợp Note 7 là minh chứng rõ ràng nhất. Kể từ khi ra đời, Samsung đã định hình đây là thiết bị chuyên dụng với khả năng ghi chú bằng chiếc bút S pen độc đáo. Tuy nhiên, phụ kiện này rõ ràng không tương thích để sử dụng với phần màn hình cong trên Note 7.

Mỗi pixel trên màn hình được tận dụng một cách triệt để, nhưng với 2 rãnh cong trên Note 7, rõ ràng đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh của siêu phẩm này.

Tiềm năng của màn hình cong là không thể phủ nhận

Tuy nhiên, nếu đem lên bàn cân so sánh, cái được từ màn hình cong vẫn nhỉnh hơn so với những hạn chế. Màn hình cong chắc chắn sẽ tiếp tục phổ biến, bởi đối với nhiều người, thẩm mỹ thường là yếu tố đầu tiên để lựa chọn một chiếc smartphone.

Galaxy S7 Edge không chỉ bán chạy hơn so với anh em của mình, nó còn trở thành thiết bị Android bán chạy nhất trên thế giới. Chính thành công này của Samsung đã khiến cho hàng loạt cái tên như Huawei, Xiaomi, Vivo phải học hỏi. Thậm chí Apple cũng được cho rằng đang chuẩn bị cho sự ra mắt iPhone màn hình cong trong năm kỷ niệm 10 năm ra đời iPhone.

Tóm lại, dù cho cái nhìn của bạn về màn hình cong như thế nào, nó vẫn là con bài thu hút khách hàng của các nhà sản xuất. Việc cần làm bây giờ, là hãy hy vọng các hãng sẽ nhanh chóng phát triển phần mềm tương thích tối đa với công nghệ màn hình này. Bên cạnh đó, luôn giữ gìn cẩn thận nếu không muốn tốn bất kỳ khoản phí nào để thay màn hình rơi vỡ.

Tác giả bài viết: Đại Việt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP