Giáo dục

Lớp 4, lớp 8, lớp 11 sẽ có sách giáo khoa mới

Tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và Sách giáo khoa mới, năm học tới đây, lớp 4, lớp 8, lớp 11 sẽ có sách giáo khoa mới.

Ở lớp 4 sẽ có môn học tích hợp là Lịch sử - Địa lý. Một môn học cũng có nhiều nội dung mới là môn Khoa học. Trong đó, chủ đề: Nấm và vi khuẩn, chương trình hiện hành lớp 6 mới dạy còn trong sách giáo khoa mới đã đưa xuống dạy ở lớp 4.

Sách giáo khoa mới cũng đặt ra nhiều tình huống, đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị nhiều hơn cho bài dạy. Có những lo lắng, vậy những môn học có nhiều nội dung có khó dạy hơn không?

Thông qua các phòng trực tuyến với vài chục người cùng tương tác một lúc, hiện các tác giả đang tiếp cận đến tận các nhà trường, đến từng giáo viên. Từ đó, những phản hồi, đóng góp về sách giáo khoa mới sẽ kịp thời và hiệu quả hơn.

Nhiều nội dung lớp 6 hiện hành được đưa vào sách giáo khoa lớp 4 mới. (Ảnh minh họa)

Trên đây mới là SGK lớp 4 thuộc bộ Cánh diều, còn SGK lớp 4 thuộc hai bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam hiện đã gửi bản mềm cùng các video giới thiệu sách đến các giáo viên. NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức cuộc gặp giữa các tác giả viết sách lớp 4 với các giáo viên vào ngày 11/3.

Còn ở bậc THCS, năm nay sách giáo khoa mới sẽ thực hiện với lớp 8, tiếp nối sách giáo khoa mới ở lớp 6, lớp 7 đã triển khai 2 năm vừa qua. Các môn học đều có sự đổi mới so với chương trình hiện hành.

Nhưng với các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, họ sẽ chú ý nhiều hơn. Bởi đây là môn học tích hợp 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nếu lượng kiến thức sâu hơn, khó hơn, họ lo lắng sẽ không thể dạy tốt những phân môn còn lại.

Các bản sách mẫu đã bắt đầu được giới thiệu trực tiếp tại các nhà trường. Đặc điểm của môn Khoa học tự nhiên trong chương trình mới là tích hợp cả Lý, Hóa, Sinh, nên các giáo viên sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới nắm được kiến thức của các môn còn lại. Ở góc độ quản lý của các nhà trường, sẽ phải sắp xếp nhân lực cũng như kế hoạch đào tạo giáo viên thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay các giáo viên đã có các bản mềm, các video giới thiệu sách và cả các quyển sách mẫu để trực tiếp tìm hiểu, đánh giá. Từ nhận xét của các giáo viên, tổ chuyên môn, các nhà trường sẽ gửi lựa chọn của mình lên phòng giáo dục, sở giáo dục. UBND tỉnh, thành phố sau đó sẽ ra quyết định lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Với lớp 11, sách giáo khoa mới cũng đã được giới thiệu tới các nhà trường, các giáo viên. Qua gần một năm học thực hiện sách giáo khoa mới ở lớp 10, đã có những kinh nghiệm được rút ra cho việc chọn sách của lớp 11.

Ở bậc THPT, Lịch sử là môn học thu hút nhiều sự chú ý khi đã chuyển từ môn tự chọn sang môn học bắt buộc. Điều lo lắng của giáo viên là khối kiến thức sẽ nhiều lên. Việc học sinh ghi nhớ sẽ khó khăn hơn.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP