Trong nước

Loạn "xe hộ đê" miễn phí qua BOT: Có tiêu cực cấp phù hiệu?

Hàng năm, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cấp phát hơn 1.000 phù hiệu "xe hộ đê” Trung ương.

Xe Cadillac BKS: 15A-154.68 gắn phù hiệu “xe hộ đê” qua Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh chụp qua màn hình camera ghi lại)

Tại các địa phương, tỉnh ít cấp vài chục, tỉnh nhiều lên đến vài trăm phù hiệu "xe hộ đê”. Quy trình cấp quá dễ dãi, cơ quan cấp phù hiệu cũng không biết đối tượng sử dụng là ai? Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có hay không tiêu cực trong quá trình cấp phù hiệu?

“Cứ đề xuất là cấp”!?

Để tiếp tục làm rõ quy trình và cách thức quản lý phù hiệu “xe hộ đê”, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ NN&PTNT). Theo ông Quang, tình trạng xe hộ đê nở rộ nhất trong giai đoạn 2016 - 2017 khi Luật Phòng chống thiên tai ra đời và có hiệu lực thi hành từ năm 2015. Lúc này, xe hộ đê được dùng cho cả hoạt động phòng chống thiên tai, không chỉ phục vụ riêng cho công tác phòng chống lụt bão. Mỗi năm đơn vị cấp khoảng hơn 1.000 phù hiệu này.

PV đặt câu hỏi về quy trình cấp và quản lý xe hộ đê ra sao khi trên thực tế có nhiều xe biển trắng thuộc sở hữu cá nhân, doanh nghiệp tư nhân vẫn được gắn phù hiệu “xe hộ đê”. Ông Quảng nói: “Theo luật, xe hộ đê không phân biệt biển trắng hay biển xanh. Khi có vấn đề sự cố bão lũ, sạt lở cần phải huy động xe nào để tham gia khắc phục thì xe đó đi thôi. Khi cấp, chúng tôi cũng không phân biệt được cái nào là biển trắng, cái nào biển xanh, bởi khi các cơ quan có văn bản đề xuất lên là chúng tôi cấp, còn có cấp đúng đối tượng hay không là trách nhiệm của cơ quan đề nghị cấp phù hiệu “xe hộ đê”.

Chúng tôi tiếp tục truy vấn: Đơn vị cấp mà không nắm được đối tượng sử dụng là ai? Như vậy, quy trình rõ ràng rất lỏng lẻo, liệu có tiêu cực gì ở đây? Ông Quang phân trần: “Thuế rồi các thứ người ta còn trốn được, bằng giả người ta còn làm được, chứ cái này cũng chưa đến mức bức xúc. Đối với các phù hiệu “xe hộ đê” nhưng được cấp không đúng đối tượng, chúng tôi khuyến khích chỗ nào phát hiện ra cứ báo lên chúng tôi sẽ tịch thu ngay, nhưng cái này chắc không nhiều và cũng chưa đến mức bức xúc phải liên ngành phối hợp để xử lý. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại, nếu khâu cấp phát có vấn đề gì “xộc xệch” sẽ chấn chỉnh, kiểm điểm.

Theo ông Quang, năm 2018, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã cấp khoảng 550 phù hiệu “xe hộ đê” Trung ương, tính ra chưa bằng một nửa so với số lượng của năm ngoái,… Bên cạnh đó, các địa phương cũng được quyền cấp phù hiệu “xe hộ đê” cho các cơ quan, thành viên có trách nhiệm tại địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhưng các phù hiệu này chỉ có giá trị trong phạm vi hoạt động tại địa phương đó.

“Số lượng cấp phù hiệu cho các xe hộ đê địa phương hiện chúng tôi vẫn chưa có báo cáo thống kê cụ thể. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, công tác cấp, quản lý phù hiệu đối với xe hộ đê thời gian qua còn tồn tại bất cập, hạn chế”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho biết, để giải quyết tận gốc vấn đề này, Cục đã báo cáo Bộ NN&PTNT cho phép ban hành xây dựng thông tư về cấp phù hiệu “xe hộ đê”, biển xe phòng chống thiên tai để các xe này sử dụng đúng mục đích, ý nghĩa, tránh gây hiểu lầm, dư luận phản cảm về xe hộ đê.

Quy trình lỏng lẻo địa phương muốn cấp bao nhiêu cũng được?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định 92/2008 của Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt (hoặc cơ quan được UBND tỉnh, thành phố ủy quyền) có thẩm quyền cấp phù hiệu “xe hộ đê” hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố.

Phù hiệu “xe hộ đê” chỉ có giá trị trong năm được cấp phát. Điều đáng nói, theo điều tra của Báo Giao thông, trong bản danh sách gửi đến đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, số lượng xe hộ đê địa phương được cấp năm 2018 của 3 tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương có sự chênh lệch rất lớn. Trong đó, số lượng xe hộ đê của tỉnh Hải Dương cao đột biến, gấp gần 4 lần của Hưng Yên và hơn 6 lần lượng xe hộ đê của Hải Phòng.

Cụ thể, số lượng xe hộ đê trong danh sách của Hải Dương do ông Nguyễn Văn Phú, Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương ký gửi đến các trạm thu phí lên đến 250 xe, kèm theo BKS đăng ký như: 34A-000.18, 34A-002.55, 34B-2898… nhưng không nêu rõ các xe thuộc cơ quan nào. Trong khi đó, số lượng xe hộ đê của Hải Phòng chỉ là 39 xe.

Một tỉnh nhỏ như Hưng Yên, nhưng danh sách xe hộ đê được ông Hồ Trọng Thái, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên ký gửi các trạm cũng hơn 70 xe hộ đê gồm: 14 xe của Sở NN&PTNT (89A-001.87, 89M-001.38, 89M-001.95…), 8 xe của Văn phòng HĐND tỉnh (80B-5059, 89B-1558, 89A-1558...), 9 xe của Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên: 80A-006.88, 89A-002.18, 89A-003.48...

Theo lãnh đạo Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, năm 2016 - 2017, khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu đưa vào khai thác, số lượng xe hộ đê của Hải Phòng thuộc loại lớn nhất cả nước, lên đến vài trăm chiếc. “Tuy nhiên, chúng tôi liên tục có ý kiến đề nghị lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng của Hải Phòng siết chặt việc cấp nên đến nay đã giảm bớt 70-80%. Dù là địa phương ven biển, có nhiều sông ngòi nhưng số lượng xe hộ đê của Hải Phòng chỉ còn vài chục chiếc”, vị này nói.

Liên quan đến số lượng xe hộ đê cao bất thường của Hải Dương, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương thừa nhận, đơn vị đã cấp phù hiệu cho 250 xe hộ đê. Tuy nhiên, ông Phú vẫn cho rằng, như thế là đúng quy định.

“Toàn bộ các xe được cấp phù hiệu “xe hộ đê” của Hải Dương đều là xe biển xanh và biển đỏ, chúng tôi không cấp biển xe hộ đê cho bất kỳ xe biển trắng nào”, ông Phú nói và cho biết, 250 xe do Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Dương cấp gồm: 128 xe của lực lượng quân đội; mỗi sở, ngành được cấp 1 xe; huyện, thị xã mỗi địa phương 2 xe; còn lại là xe của lực lượng công an.

“Không có chuyện các xe này lợi dụng việc được cấp biển xe hộ đê để được miễn phí qua các trạm thu phí vì thực tế lái xe được thanh toán toàn bộ tiền xăng xe, phí cầu phà. Nếu phải đóng phí thì lái xe họ lấy hóa đơn về vẫn được thanh toán bình thường, vậy họ cần gì phải lợi dụng phù hiệu “xe hộ đê” để được miễn phí. Có chăng việc lợi dụng phù hiệu “xe hộ đê” để được miễn phí chỉ xảy ra đối với việc cấp cho xe biển trắng nhưng ở Hải Dương chúng tôi không cấp cho xe nào”, ông Phú nói.

Có tình trạng chạy chọt, làm giả phù hiệu “xe hộ đê”?

Liên quan đến 4 chiếc xe BKS 15A-154.68, 29A-127.27, 14A-048.67, 15A-326.89, Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai khẳng định, chỉ cấp phù hiệu “xe hộ đê” T.Ư cho chiếc Lexus BKS 29A-127.27, không cấp phù hiệu “xe hộ đê” cho 3 xe còn lại (xem chi tiết bài trên trang 8, Báo Giao thông số 153 ra ngày 24/9).

Tuy nhiên, ngày 24/9, PV Báo Giao thông tìm đến Công ty TNHH Thương mại, vận tải và du lịch Trang Anh, địa chỉ số 947 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hải An (Hải Phòng) là chủ phương tiện của chiếc xe Mazda BKS 15A-326.89 (sản xuất năm 2016). Chiếc xe Mazda 15A-326.89 cũng đang có ở đây, chỉ có điều không còn gắn phù hiệu “xe hộ đê”.

Theo thông tin từ chủ xe, qua mối quan hệ, anh Tuân có quen một số người làm trong cơ quan Nhà nước. “Tháng 3/2018 có đợt làm phù hiệu “xe hộ đê” nên chúng tôi có nhờ. Các anh ấy bảo cho xe của tôi vào danh sách gửi lên T.Ư xét. Sau đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão T.Ư cấp cho tôi phù hiệu “xe hộ đê”. Nói thật, tôi có cái phù hiệu đó chủ yếu để tự tin khi lưu hành thôi. Qua việc này, tôi sẽ rút kinh nghiệm. Có thể chúng tôi chẳng dùng nữa vì không muốn chỉ vì việc nhỏ này ảnh hưởng tới người khác”, anh Tuân nói.

Như vậy, thông tin chủ chiếc xe Mazda cung cấp và thông tin của Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai về chiếc xe này hoàn toàn trái ngược nhau. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, có hay không tình trạng chạy chọt, nhờ vả để được cấp phù hiệu “xe hộ đê”?

Ở một chiều hướng khác, với chiếc xe Cadillac BKS 15A-154.68 (sản xuất năm 2014) của Công ty TNHH Thương mại vận tải Hải Phòng, có địa chỉ số 341 đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền (Hải Phòng), PV cũng tìm đến địa chỉ trên. Tuy nhiên, tại đây có một dãy các doanh nghiệp, nhưng không thấy biển hiệu nào là Công ty TNHH Thương mại vận tải Hải Phòng. Những công nhân ở đây cho biết, họ không hề gặp chiếc xe BKS 15A-154.68 lưu thông qua đây.

Liên quan đến xe sang Lexus BKS 29A-127.27, chiều 24/9, PV có mặt tại trụ sở Công an phường Bưởi để hỏi về địa chỉ số 45D, tổ 46, cụm 9, đường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) - nơi chủ xe Lưu Quang Kiên lấy làm địa chỉ đăng kiểm cho chiếc xe này. Tuy nhiên, Trưởng công an phường Bưởi khẳng định: “Địa chỉ trên không liên quan đến phường Bưởi và đường Bưởi cũng chưa bao giờ thuộc quận Tây Hồ”.

PV tiếp tục dò hỏi và tìm đến địa chỉ số 45D, tổ 46, cụm 9 thuộc phường Bưởi. Tuy nhiên, sau gần 1 ngày tìm kiếm dựa trên thông tin người dân các tổ 46, 48, 49 (cụm 9) cung cấp, vẫn không thể tìm ra số nhà 45D. Người dân tổ 46 cho biết, ở đây chỉ có ngõ 45 và 45A chứ chưa từng thấy số 45D ở ngôi nhà nào. Khi PV đề cập thông tin chủ nhà có chiếc xe Lexus, người dân cho hay, chủ ngôi nhà số 45A, làng kiến trúc cây cảnh ngày trước cũng có một chiếc xe nhãn hiệu Lexus. Thế nhưng, từ hơn một năm trở lại đây, người này đã bán nhà và chuyển đi chỗ khác.

Cũng có thông tin cho rằng, có tình trạng một số xe cố tình làm giả phù hiệu “xe hộ đê” để được hưởng miễn phí và quyền ưu tiên khi qua trạm thu phí.

Tác giả: Nhóm P.V

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: loạn xe ,hộ đê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP