Pháp luật

Lính hình sự kể chuyện đào xuyên tường bằng tay không

“Làm cái nghề này thì phải chú ý từng thông tin nhỏ, thậm chí những chi tiết tưởng chừng vặt vãnh. Có như vậy thì mới khám phá được vụ án, bắt được thủ phạm, trả lại công bằng cho xã hội” - Đại úy Nguyễn Quang Đông, Đội phó Đội CSĐTTP về TTXH, CAQ Hà Đông vắn tắt như vậy về kinh nghiệm 10 năm làm lính hình sự.

Nhãn

Luôn “giữ lửa” với công việc

Tôi cứ nghĩ một Đội phó hình sự có nhiều thành tích, lại được vinh danh là “Gương mặt trẻ xuất sắc tiêu biểu CATP Hà Nội” hẳn tác phong phải “oách” lắm. Lính hình sự trong suy nghĩ của tôi là một nào anh nấy đều to lớn, ăn nói phải dứt khoát, dõng dạc, có uy thì tội phạm mới sợ. Nhưng đến khi gặp Nguyễn Quang Đông lại thấy anh chẳng khác gì anh nhân viên văn phòng. Dáng dấp thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, khiến nhiều người không nghĩ anh là công an. Vậy mà, bao vụ án tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt nhưng qua tay anh thì thủ phạm đều bị đưa ra ánh sáng.

Nguyễn Quang Đông bảo, thực ra anh yêu ngành công an từ ngày còn đi học phổ thông. Thế nhưng, khi theo học tại trường Trung cấp cảnh sát nhân dân thì lại bị phân vào chuyên ngành quản lý hành chính dù anh có nguyện vọng xin theo học hình sự. Đến khi ra trường, theo yêu cầu của tổ chức anh lại về làm cảnh sát giao thông.

Anh nhớ lại: “Thực ra lúc đầu em cũng thất vọng lắm. Tuổi trẻ, ai chẳng hăng hái muốn thử sức ở những lĩnh vực gai góc, khó khăn. Nhưng rồi em lại nghĩ, công việc nào cũng là phục vụ nhân dân, phục vụ lực lượng, vì thế khi cơ quan, tổ chức đã yêu cầu thì mình sẽ thực hiện với những nỗ lực và trách nhiệm cao nhất”.

Ngày mới chân ướt chân ráo ra trường, Nguyễn Quang Đông khoác ba lô lên tận Tây Nguyên về nhận công tác tại CAH Đắk Mil. Sau một thời gian làm quen với địa bàn, Đông nhận thấy đa số người dân trình độ dân trí còn khá hạn chế, do đó ý thức chấp hành Luật Giao thông của họ rất kém dẫn đến thường xuyên xảy ra tai nạn, thiệt hại về người và tài sản.

Nếu kiên trì điều tra thì mọi thủ phạm đều bị đưa ra ánh sáng, mọi tội ác sẽ đều bị trừng phạt trước pháp luật

Chính vì vậy, trong quá trình làm việc, anh đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo và chủ động xây dựng một phần mềm quản lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như giáo dục ý thức cho người dân. Ý tưởng này lập tức được hoan nghênh nhiệt liệt. Kể từ đó, các phương tiện, người điều khiển phương tiện trên toàn huyện Đắk Mil thường xuyên được CSGT kiểm tra. Với những trường hợp vi phạm lần 1, CSGT sẽ nhắc nhở và lưu lại dữ liệu trên máy tính.

Nếu người dân tiếp tục vi phạm thì thông tin cả 2 lần này sẽ được gửi về tận nơi cư trú để phát trên loa truyền thanh thôn kèm theo thông báo lỗi và mức xử phạt nếu họ tiếp tục vi phạm lần 3. Ở một huyện xa xôi và khó khăn như Đắk Mil thì đây là cách làm vô cùng hiệu quả. Tất cả mọi vi phạm được người dân truyền tai nhau, người nọ bảo người kia và từ đó họ có ý thức hơn.

Các vi phạm cũng giảm hẳn, nhờ đó tình trạng tai nạn trên toàn huyện có chuyển biến mạnh mẽ. Sáng kiến và cách làm này sau đó được nhiều địa phương học tập áp dụng. Nhớ lại những ngày ấy, Đông bảo: “Lĩnh vực nào cũng vậy, nếu mình say mê và quyết tâm theo đuổi thì bao giờ cũng thu được thành công”.

Đãi cát tìm vàng

Sau 2 năm công tác ở miền núi, Nguyễn Quang Đông được tổ chức phân công về công tác ở Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH, CAQ Hà Đông. Vẫn giữ “lửa” nhiệt huyết với công việc, anh nhanh chóng làm quen với nhiệm vụ mới và đóng góp không ít công sức trong nhiều vụ án thuộc loại “đình đám” của Hà Nội.

“Án hình sự có nhiều loại, có vụ rõ ngay thủ phạm, nhưng cũng có vụ đầu mối thông tin về đối tượng hoàn toàn là con số không. Vì thế làm án “mờ” luôn đòi hỏi cán bộ điều tra phải tỉ mỉ, thậm chí phải như người đãi cát tìm vàng bởi nếu sai sót thì sẽ đi vào ngõ cụt hoặc ảnh hưởng tới tính mạng và cả tương lai của một con người” - Đông nói.

Vụ án do đối tượng Nông Văn Mạnh (SN 1994) trú tại Định Hóa, Thái Nguyên gây ra ngày 17-10-2015 là ví dụ điển hình. Khoảng 4h45 sáng, CAQ Hà Đông nhận tin báo của quần chúng về việc có 1 nam thành niên cầm gậy gỗ đuổi theo 1 nam thanh niên khác trên đường Lê Trọng Tấn và vụt liên tiếp vào đầu, mặt rồi bỏ chạy. Tuy nhiên, khi công an đến nơi thì nạn nhân đã tử vong với nhiều vết thương gây biến dạng mặt nên không thể nhận dạng được.

Đại úy Nguyễn Quang Đông nhớ lại, quang cảnh hiện trường và thi thể nạn nhân rất rùng rợn. Lúc đó CAQ Hà Đông cũng thông báo ngay cho Phòng Cảnh sát Hình sự và Phòng Kỹ thuật Hình sự tổ chức khám nghiệm hiện trường và tiến hành điều tra. Kết quả ban đầu cho thấy, đây là vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng khó ở chỗ, dấu vết của đối tượng để lại hiện trường không có và nhân chứng cũng không thể cung cấp thêm được thông tin nào.

Bắt tay vào việc mới thấy đây là một bài toán hóc búa. Nạn nhân không có giấy tờ tùy thân nên không thể xác định được tên tuổi, địa chỉ. Lấy dấu vân tay gửi đi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước để tra cứu nhưng cũng không có kết quả nào được trả về. Như vậy có nghĩa là người này chưa bao giờ làm chứng minh nhân dân.

Ngoài chiếc túi chéo đeo bên hông cùng một hình xăm con nhện trên cổ người bị hại, Đại úy Nguyễn Quang Đông cùng các đồng nghiệp bắt đầu chuỗi ngày đi “mò kim đáy biển”. Hầu như các cơ sở xăm ở Hà Nội đều được trinh sát “ghé thăm”, nhưng cũng không thu được thông tin nào do họ không thể nhớ hết khách. Các cơ sở bán túi chéo và các nhóm thanh niên xã hội cũng được tìm hiểu nhưng mọi thông tin thu được đều không có giá trị.

Rà soát trên địa bàn và các khu vực lân cận cũng không có ai thông báo về người thân mất tích. Kiểm tra từ các quán ăn đêm quanh hiện trường cũng không ai biết về người thanh niên có mặc trang phục như nạn nhân. Thông báo về nhận dạng bị hại trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không có kết quả.

Ngay cả chiếc xe Dream mà thủ phạm điều khiển cũng được truy lùng, những trinh sát được tung đi đều trở về với những cái lắc đầu. “Có đêm, 2h sáng trinh sát báo về một thông tin rằng, ở phố Tôn Đức Thắng có 1 thanh niên nhận dạng giống nạn nhân đã lâu không thấy xuất hiện tại nơi cư trú. Vậy là chúng tôi vội vàng tìm đến tận nhà họ để xác minh. Nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả. Anh cứ tưởng tượng trước mắt mình là một bức tường bê tông, bài toán ở đây là ta phải đào xuyên qua bức tường ấy trong khi chỉ có tay không” - Đông nói một cách hình ảnh.

Đằng đẵng gần 2 tháng trời, điều tra theo hàng trăm hướng, chắt lọc hàng nghìn thông tin, cuối cùng đến ngày 30-11-2015, một đầu mối mới cho biết về trường hợp anh Trần Văn Trọng quê ở Định Hóa, Thái Nguyên cũng có hình xăm ở cổ, các trinh sát lại lên đường. Rất may, mọi dữ liệu gia đình cung cấp lần này đều khớp với cơ quan điều tra và đến ngày 1-12 thì đối tượng Nông Văn Mạnh đã bị bắt giữ. Lúc này mọi tình tiết vụ án mới sáng tỏ.

Tại cơ quan công an, Mạnh khai, do đối tượng và anh Trọng là bạn cùng quê nên từng đi làm lao động phổ thông cùng nhau tại Hà Nội. Ngày 16-10, sau khi rủ nhau đi chơi về thì cả 2 xảy ra cãi cọ và xô xát. Yếu thế, anh Trọng bỏ chạy thì bị Mạnh đuổi theo dùng gậy gỗ vụt liên tiếp vào mặt đến khi bất tỉnh.

Chưa dừng lại, Mạnh còn lục túi nạn nhân lấy đi toàn bộ tư trang, giấy tờ của anh Trọng rồi mới bỏ đi. Đại úy Đông kết luận: “Những vụ án tưởng chừng bế tắc như vậy không phải là ít. Nhưng làm nghề này thì phải chịu khó, nếu kiên trì điều tra thì mọi thủ phạm đều bị đưa ra ánh sáng, mọi tội ác sẽ đều bị trừng phạt trước pháp luật và trả lại công bằng cho người bị hại”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Long

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP