PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị đang in gấp, nhập nhanh để có sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024. Dự kiến sách bắt đầu phát hành vào ngày 1/5.
Riêng với sách lớp 4, 8, 11 chương trình phổ thông mới, hiện một số địa phương đã công bố danh mục lựa chọn. Kết quả sơ bộ, sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn được đa số các thầy cô giáo tin tưởng, lựa chọn đưa vào dạy học năm học 2023 - 2024. Nhà xuất bản dự kiến phát hành từ 15/6.
"Các địa phương cần sớm hoàn thành lựa chọn sách lớp 4, 8, 11 trước 4 tháng bắt đầu năm học mới 2023 - 2024 theo quy định của Bộ GD&ĐT. Điều này giúp ích rất nhiều để nhà xuất bản in ấn và phát hành kịp thời, đầy đủ tới tay học sinh", lãnh đạo nhà xuất bản nêu.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương in ấn, phát hành sách cho năm học 2023 - 2024. |
Để hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách nhanh chóng, thuận tiện, năm nay nhà xuất bản thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khách hàng từ tháng 5 đến hết tháng 9 (hotline: 0344181018). Nhà xuất bản cũng mở rộng kênh bán sách giáo khoa trực tuyến, thuận tiện phụ huynh mua online.
Về việc tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới, nhà xuất bản đang xây dựng kế hoạch triển khai theo hình thức trực tiếp và tàn thành trước 31/7. Nội dung tập huấn gồm phiên bản điện tử sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu tập huấn, slide báo cáo tập huấn, các video tiết dạy minh họa.
Tất cả các tài liệu, dữ liệu nêu trên sẽ được số hóa, đăng tải miễn phí và cập nhật thường xuyên trên website của nhà xuất bản giúp giáo viên chủ động tự tìm hiểu, nghiên cứu các môn học. Để đáp ứng được các yêu cầu về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng (hình ảnh, âm thanh, tương tác giữa báo cáo viên và người nghe,...) tại các buổi tập huấn trực tuyến, nhà xuất bản sẽ sử dụng hệ thống 30 phòng studio đạt tiêu chuẩn.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức 8 đợt bồi dưỡng sách giáo khoa mới từ 5/6 đến 28/7, mỗi đợt 5 ngày.
Tháng 9/2022, trong báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, còn khoảng 7.000 học sinh (0,5%) chưa có sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, bậc THCS thiếu 2.050 bộ, THPT thiếu 2.232 bộ và giáo dục thường xuyên thiếu 2.771 bộ. Không chỉ TP.HCM, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cũng chật vật tìm mua sách giáo khoa cho con.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm sách, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, 2022 - 2023 là năm học cuối cùng sử dụng sách giáo khoa các lớp 4, 8 và 11 theo chương trình hiện hành, nên các đại lý, cửa hàng bán lẻ không tiếp tục nhập hàng tại thời điểm khai giảng năm học để tránh tồn kho dẫn tới phải huỷ bỏ.
Mặt khác, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 chương trình phổ thông mới ở các địa phương diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của các em tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: vtc.vn