Giải trí

Lê Minh Sơn: 'Như lời đồn', 'Nắng cực'... là nói lóng trơ trẽn

Chưa bao giờ phát hành MV và cho ra ca khúc mới lại dễ và tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, có một hiện tượng đang trở thành "mốt" đó là chiều hướng viết lời và tựa đề bài hát thiếu đầu tư, thẩm mỹ, thậm chí dung tục phản cảm của nhiều nhạc sĩ trẻ.

VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Lê Minh Sơn - người nổi tiếng thẳng thắn để bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này.

- Anh chia sẻ ra sao khi nhiều ca khúc gần đây có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí, phản cảm và tục tĩu như: Như cái lò, Như lời đồn (Khắc Hưng), Nắng cực (Phạm Toàn Thắng), Xếp hình (Tăng Nhật Tuệ)?

Điều này thật ra không mới ở Việt Nam. Nếu nghe nhạc các bạn sẽ nhận ra một bộ phận không lớn lắm, ở nước ngoài đặc biệt người da màu âm nhạc đường phố của họ cũng nói bậy, chửi tục rất ghê. Những cái đó chỉ hợp với một bộ phận khán giả và ở nước ngoài phân ra dòng khác nhau như vậy.

Ở Việt Nam cái này không thể gọi là chơi chữ được. Bởi chơi được chữ phải là người có văn hóa. Họ phải có nền tảng văn hóa tốt. Thế hệ ngày xưa có cụ Hồ Xuân Hương - chơi chữ cỡ tuyệt vời. Chơi chữ người ta ra chủ đề để thách đố nhau ví dụ hãy làm một bài thơ như thế nào mà đầu đề bài thơ dài hơn bài thơ, có một cụ ra đề "Lấy vợ", bài thơ là "Xong". Bài thơ bao gồm tất cả ý nghĩa và ngắn hơn đầu đề của bài thơ. Đấy mới là chơi chữ.

Còn việc đặt tên bài hát rồi viết những ca từ ngông cuồng, thiếu thẩm mỹ như các trường hợp bạn nhắc đến thật khó hiểu. Nó không được gọi là phép ẩn dụ trong văn học hay thi ca Việt Nam gì cả. Đây chỉ gọi là nói lóng của những người thích nói bậy mà không được nói bậy hẳn ra nên nói lóng, nói ngược lại. Tôi không ủng hộ việc làm này vì nó thể hiện sự trơ trẽn.

Lê Minh Sơn: Dương Cầm nói thế chứ tôi nghĩ người có quyền họ chẳng cấm đâu.

Theo anh việc bất chấp dư luận để cho ra những ca khúc phi âm nhạc, phi văn hóa của một số nghệ sĩ là vì tiền, vì sự nổi tiếng hay vì điều gì khác?

- Các bạn ấy còn rất trẻ chứ ví dụ như tôi làm sao mà viết được như thế. Tôi muốn viết cũng không viết được bởi trong mình có nền tảng để không bao giờ làm điều đó. Thật ra cũng đừng quy chụp hết các bạn trẻ, chỉ là một số người muốn gây sốc và muốn gây chú ý và chưa nghĩ đến hậu quả. Tôi xin nói lại hậu quả ở đây không phải đám đông ở ngoài mà hậu quả các bạn gieo gì con cái lãnh nhận hết.

Nhiều nhạc sĩ đang viết nhạc bắt chước Hàn Quốc nhưng phải hiểu rằng Hàn Quốc có chế tài rất nghiêm, khi có một tác phẩm dính scandal họ có thể mất sự nghiệp luôn. Không như Việt Nam khi có scandal càng được chú ý.

Những trai xinh, gái đẹp hay thường gọi là ca sĩ và nhạc sĩ phải hiểu rằng mình đang làm gì ngoài câu chuyện lợi nhuận. Các bạn phải hiểu sức công phá của âm nhạc rất lớn, độ phủ sóng rộng. Gây chú ý thiếu gì cách bằng văn hóa vẫn cho thấy sự tự trọng nghề nghiệp của mình. Những người tử tế, về mặt cảm xúc, về tâm hồn họ biết rằng đây là những thứ không đáng để nghĩ đến bởi cuộc sống có còn nhiều thứ đáng quan tâm hơn.

- Nếu ai đó đọc nhận xét và nói rằng vì anh đã không còn trẻ và ''cực đoan" nên mới khắt khe như thế?

Với người cầm bút, tôi nghĩ không nói chuyện già hay trẻ. Tôi viết nhạc năm 11 tuổi và được gọi là nhạc sĩ trẻ cho đến năm 18 tuổi, các ca khúc Chuồn chuồn ớt, Ôi quê tôi bay ra khỏi ngòi bút là lúc tôi 20 tuổi. Bạn cũng biết 18 tuổi là chúng ta đã chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với người cầm bút họ phải chịu trách nhiệm với tâm hồn của mình.

Tôi nghĩ rằng là người cầm bút, người sáng tác và người thể hiện trước khi làm điều gì đó nghĩ tới hậu quả của con cái mình mai sao. Đó là văn hóa, bởi đã là văn hóa Việt Nam mãi mãi là văn hóa Việt Nam, nó không thể là văn hóa Mỹ. Không thể văn hóa của người da vàng mũi tẹt lại giống văn hóa đường phố của người da đen. Người da đen biết bao tấm gương, biết bao trí tuệ cũng khủng khiếp nên học hỏi điều đó thay vì học văn hóa đường phố của một bộ phận người da đen.

Tiền bạc đánh mất đi còn làm ra được nhưng chính những người cầm bút viết ra những bài hát hay chính người thể hiện mà bị lên án đấy là sự đau xót cho chính con cháu các bạn ấy được hưởng. Tôi nói từ được hưởng bởi chúng ta gieo gì sẽ hưởng vậy. Bây giờ mạng internet phát triển nó sẽ lưu lại tất cả nên làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau.

- Nhạc sĩ Dương Cầm trong bài phỏng vấn mới đây thẳng thắn nói rằng nếu có quyền anh sẽ cấm các bài hát phản cảm, cụ thể ''Lời như đồn của Khắc Hưng do Bảo Anh thể hiện. Anh nói sao về quan điểm này?

Dương Cầm nói thế chứ tôi nghĩ người có quyền họ cũng chẳng cấm đâu bởi các bạn ấy chẳng ăn cắp ăn trộm gì cả. Chỉ là dùng tiếng lóng của một sự ức chế nào đó thôi. Nếu các bạn thấy ức chế nói như ngày xưa là vào rừng chửi bậy trước một cái cây hoặc về nhà đóng cửa, đập phá chửi bậy thoải mái. Không ai cấm các bạn chửi bậy nhưng những người nói bậy trước đám đông, lại còn nói bậy bằng âm nhạc tung ra trước cộng đồng cần phải xem lại tư cách của họ.

- Cho đến bây giờ, các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài cụ thể trong việc xử lý vấn nạn nhạc ''rác" trên các phương tiện. Và đó là lý do thể loại âm nhạc này vẫn tồn tại hoặc xuất hiện len lỏi vào đời sống, tác động không nhỏ đến các đối tượng nghe nhạc, nhất là đối tượng trẻ. Là người làm nghề anh có buồn vì điều này?

Ông Tô Hoài ngày xưa từng có viết rất hay: "Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy". Tôi không muốn các bạn nghệ sĩ trẻ mất mát gì, các bạn là ai tâm hồn ra sao thời gian sẽ trả lời.

Tôi chỉ khuyên các nghệ sĩ đừng bất chấp dư luận để truyền tải các bài hát vô nghĩa và còn thời gian hãy điều chỉnh ngay đi!

Còn như tôi, là một phụ huynh, đã có gia đình tôi biết cách có bộ lọc riêng với con cái của mình.

Tác giả: Anh Phương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP