Tuyển Việt Nam (trái) chưa thể bùng nổ ở vòng bảng AFF Cup 2018 - Ảnh: AFF |
Nhất bảng nhưng vẫn lo
Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giành ngôi đầu bảng A, AFF Cup 2018 sau thắng lợi 3-0 trước Campuchia. Ngoài thành tích bất bại (3 thắng, 1 hòa), đoàn quân áo đỏ còn gây ấn tượng khi không để lọt lưới bàn nào, qua đó lập kỷ lục trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup) hai lần giữ sạch lưới tại vòng bảng. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình vòng bảng, rõ ràng tuyển Việt Nam chưa thể khiến người hâm mộ yên tâm tuyệt đối.
Xuyên suốt 4 trận đấu, HLV Park Hang-seo đều chỉ đạo học trò chơi cẩn trọng, chắc chắn. Cách chơi này đã phát huy hiệu quả về mặt phòng ngự mà bằng chứng là thủ thành Đặng Văn Lâm chưa phải vào lưới nhặt bóng lần nào. Nhưng ở mặt trận tấn công, đội tuyển Việt Nam lại không cho thấy được sự kết dính và sắc sảo cần thiết.
Ngay như trận gặp Campuchia, dù đối thủ yếu hơn về mọi mặt, các học trò của HLV Park Hang-seo vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khung thành. Trận gặp Lào cũng tương tự, bất chấp đội bóng áo đỏ ghi 3 bàn, màn trình diễn của thầy trò ông Park chưa thể nói là thuyết phục. Nhưng đỉnh điểm của bộ mặt nhạt nhòa nơi hàng công phải kể đến trận gặp Myanmar, trận đấu các tiền đạo tuyển Việt Nam bất lực trong khâu ghi bàn.
Theo thống kê, sau 4 trận vòng bảng, các học trò của HLV Park Hang-seo tung ta 56 cú sút cả thảy nhưng chỉ 28 trong số đó trúng đích, đạt 50%. 28 lần đưa bóng vào đúng khung thành, tuyển Việt Nam chỉ ghi vỏn vẹn 8 bàn, đạt 28,5%, một con số rất khiêm tốn. Nếu không sớm cải thiện khả năng kết thúc tấn công, thầy trò ông Park chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn tại bán kết.
Có một điểm dễ nhận thấy, tuyển Việt Nam chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công khá nhanh và ngược lại. Tuy vậy, tốc độ luân chuyển bóng trên phần sân đối phương của đội bóng áo đỏ lại không cao. Các cầu thủ đều mất nhiều thời gian để tung ra đường chuyền, kéo theo giảm nhịp độ tấn công, làm mất tính bất ngờ, đồng thời để hàng thủ đối phương kịp lùi về bọc lót.
Thiếu phương án cụ thể
Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, về mặt tổng thể, tuyển Việt Nam đã có hành trình vòng bảng thành công, hoàn thành mục tiêu nhất bảng. Thế nhưng, tuyển Việt Nam vẫn còn tồn tại, rõ nhất là khả năng kiểm soát bóng trước các đối thủ ngang cơ: “Chúng ta thấy ở trận gặp Malaysia và Myanmar, đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng khá tệ. Cầu thủ thường thua trong những tình huống tranh chấp. Nếu gặp các đối thủ tấn công giỏi, chắc chắn Việt Nam khó giữ sạch lưới. Tôi có cảm giác đội tuyển chưa đạt được trạng thái sung sức thể thao tốt nhất”.
Trong khi đó, chuyên gia Lê Thế Thọ thẳng thắn nhìn nhận, màn trình diễn của đội bóng áo đỏ tại bảng A thiếu thuyết phục. “Các đối thủ đều dưới cơ, thậm chí Lào và Campuchia còn yếu hơn hẳn nhưng tuyển Việt Nam không cho thấy được sự áp đảo. Vấn đề của tuyển Việt Nam là chúng ta thiếu những phương án cụ thể tổ chức tấn công để giải quyết khâu ghi bàn trước đối thủ ngang hoặc dưới cơ. Ông Park đã làm rất tốt khi đối đầu với các đội bóng mạnh ở tầm châu Á. Tuy nhiên, tại đấu trường Đông Nam Á, khi các đối thủ không mạnh, không áp đặt được lối chơi lên chúng ta thì chúng ta lại lúng túng”, ông Thọ nói.
Không đồng tình với quan điểm của hai vị chuyên gia trên, HLV Lê Thụy Hải khẳng định, tuyển Việt Nam không có gì đáng chê trách: “4 trận chúng ta thắng 3, hòa 1, đứng đầu bảng như vậy là quá tốt rồi. HLV Park Hang-seo đã có những toan tính chi tiết cho từng trận đấu, đem đến hiệu quả tối đa. Ví như ở lượt đấu cuối, ông Park đưa Tiến Linh và Hồng Duy vào sân đã tạo ra được những nét mới mẻ trong tấn công. Tất nhiên, nhìn từ góc độ của HLV Park Hang-seo, vẫn cần có những điều chỉnh về mặt chiến thuật nhưng tôi tin tất cả vẫn được ông ấy kiểm soát tốt”.
Từ những phân tích trên, HLV Lê Thụy Hải và hai vị chuyên gia cho rằng, muốn biết sức mạnh thực sự của tuyển Việt Nam thì phải đợi tới vòng bán kết, còn hành trình vòng bảng chưa nói lên nhiều điều.
Tác giả: Hữu Hiệp
Nguồn tin: Báo Giao thông