Theo đó, đối tượng được ưu tiên là những lao động tốt nghiệp tiểu học, đã đăng ký dự kỳ thi tiếng Hàn; thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, sẽ được hỗ trợ mức tối đa 4,5 triệu đồng/ khóa đào tạo tiếng Hàn/1 lao động. Lao động thuộc đối tượng khác là 2.250.000 đồng/ khóa đào tạo tiếng Hàn/1 lao động.
Ngoài ra, các đối tượng còn được hỗ trợ chi phí xét nghiệm một số bệnh Viêm gan B, Giang mai, HIV. Mức tối đa là 140.000 đồng /1 lao động.
Kinh phí để hỗ trợ được trích từ ngân sách trung ương, từ nguồn Chương trình quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Địa phương bố trí thêm nguồn ngân sách và huy động, nếu có. Thời gian tiếp nhận đăng ký tham gia của lao động từ ngày 10/4 đến ngày 15/4.
Để được hưởng hỗ trợ,người lao động cần có đơn đề nghị hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết có xác nhận của chính quyền địa phương. Đồng thời, người lao động cũng cần thực hiện khám sức khỏe theo yêu cầu.
Người lao động có thể học tại địa phương, trường hợp địa phương không tổ chức thì phải gửi danh sách ra bộ trước ngày 17/4 để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp và thực hiện đào tạo tại Hà Nội.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, trong năm 2017 Hàn Quốc dành cho Việt Nam là 3.600 chỉ tiêu tuyển dụng. Chỉ tiêu này được chia 4 ngành cơ bản. Cụ thể nông nghiệp là 800 chỉ tiêu, ngư nghiệp 800 chỉ tiêu, xây dựng là 500 người và sản xuất chế tạo là 1.500 người.
Tác giả bài viết: Hoàng Ngân / Báo Giao thông