Xã hội

Làng đẻ 3 con còn chê ít

Với khoảng 112 hộ dân nhưng có tới gần 700 nhân khẩu, làng Ea Luh thuộc tỉnh Gia Lai được mệnh danh là làng siêu đẻ ở Tây Nguyên

Đẻ nhiều khiến cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng ngôi làng của xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đẻ được thì đẻ thôi!

Ea Luh là ngôi làng duy nhất của người dân Xê Đăng tại tỉnh Gia Lai. Khắp làng, những con đường bê-tông dẫn vào tận ngõ từng nhà.

Chúng tôi dọ hỏi một người dân xem nhà nào đông con nhất, người này gãi đầu: "Sao hỏi khó thế? Làng này nhà nào chả nhiều con. Hỏi nhà ít con thì may ra còn biết. Cứ tính đi, 18 tuổi lấy chồng rồi cứ thế đẻ con đến khoảng 50 tuổi, như vậy thì được bao nhiêu đứa" - người này nói.

Căn nhà anh K’Pah Hon (43 tuổi, nguyên trưởng thôn Ea Luh) rộng chừng vài chục mét vuông là nơi cư ngụ của 10 người trong gia đình. Con gái đầu của anh đã hơn 20 tuổi còn đứa út vẫn đang phải ẵm trên tay. "Làng này ai cũng đẻ nhiều vậy hết, cứ có con thì đẻ thôi chứ biết sao bây giờ. Của trời cho mà!" - anh Hon nói.

Trung bình một phụ nữ ở làng Ea Luh đẻ tới 6 con

Trưa 13-6, trước cửa căn nhà lụp xụp của chị A Viên (41 tuổi), 3 đứa trẻ độ từ 3-7 tuổi đang bưng tô cơm trắng, chan nước sền sệt ngồi túm tụm trước hiên nhà. Trong tô cơm, tuyệt nhiên không có thức ăn gì. Mặc kệ có người lạ, các em vẫn xúc cơm ăn một cách ngon lành. Một em do ăn vội mà hạt cơm vẫn còn dính trên miệng.

"Thỉnh thoảng bố mẹ mua cá, mua thịt cho chúng em ăn nhưng đa phần là ăn cơm với mì hoặc các loại rau, bí hái được trong vườn nhà thôi" - em lớn nhất trả lời.

Mới 41 tuổi, người đàn bà đen nhẻm, gầy rộc này đã là mẹ của 12 người con. Cũng vì đông con quá nên nhiều khi chị quên mất tên con, nhìn đứa này mà nhầm sang đứa khác. Các con chị bị thiếu ăn, thường xuyên đau ốm và một số đứa đã bỏ học.

Nhà ít đất sản xuất nên thu nhập chính là làm thuê cho người khác hoặc hái chè cho công ty. Hằng ngày, chị cứ nấu cơm sẵn để đó, đứa nào đói thì tự tìm mà ăn. Những ngày hai vợ chồng đi làm thì các con phải tự ở nhà nuôi nhau, đứa lớn phải đút cơm cho đứa nhỏ ăn.

Thế nhưng, khi hỏi về ý định sinh đứa nữa, chị Viên không ngại ngần: "Làng mình quan niệm đông con là đông của, có nhiều người để làm việc. Mình vừa đẻ xong lại tiếp tục mang bầu đứa khác, chắc đẻ đến khi nào hết trứng thì thôi".

Theo một vị cao niên trong làng, người đồng bào Xê Đăng quan niệm con cái là tài sản quý. Ngày xưa sống ở trên núi cao, cuộc sống khó khăn. Sinh con ra khó nuôi lắm nên sinh được con là một chuyện, nuôi lớn nó lại là chuyện khó hơn nữa. Vậy nên cứ sinh được là sinh thôi, không kiêng cữ, kế hoạch gì.

Nghèo đói luẩn quẩn

Những hộ dân sinh sống tại đây đều là dân tái định cư phải di dời nhường đất cho vùng lòng hồ thủy điện tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Tuy được bố trí tái định cư nhưng đất sản xuất rất ít, đa phần người dân thu nhập chính từ làm công nhân hái chè cho Công ty Chè Biển Hồ và đi làm thuê bên ngoài.

Một trong những hộ đẻ nhiều nhất là chị A Mơn với 11 đứa con. Khi chúng tôi tìm đến, chị đang lúi húi trong bếp chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình. Đứa con út còn nhỏ đang ngủ thiếp sau lưng chị. Nhà nghèo, lại đông con, vợ chồng chị phải làm quần quật, không có một ngày nghỉ ngơi. "

Con đông quá! Mình nuôi không nổi, mỗi việc lo gạo cho chúng ăn còn thiếu, làm sao mà có tiền cho nó học hành đến chốn. Con mình, thằng lớn phải nghỉ học sớm lên rẫy trồng sắn để phụ giúp nuôi các em. Đông con là dại lắm! Nhà càng lúc càng nghèo, càng sinh con đông thì quần áo cả mẹ lẫn con càng rách rưới đi. Nghỉ làm ngày nào là con đói ngày đó, khổ lắm!" - chị A Mơn than thở.

Ba đứa con của chị A Viên bưng cơm trắng, có chan nước sền sệt ăn ngon lành

Anh Sa, trưởng thôn Ia Luh (SN 1986), thống kê trong làng chỉ 112 hộ nhưng lại có đến gần 700 nhân khẩu. Trong đó, số hộ cận nghèo là 30; hộ nghèo chiếm 45 hộ và 32 hộ nghèo thuộc diện đặc biệt. "Trong thôn Ia Luh nhà nào cũng khó khăn, chỉ là gia đình nào khốn khổ nhất thôi.

Ở thôn này, trung bình mỗi hộ dân có khoảng 7 người con. Những nhà đẻ 3 con thuộc dạng ít. Để giảm bớt tình trạng này, mỗi lần họp thôn mình đều tuyên truyền bà con phải sinh đẻ theo kế hoạch, ai cũng gật đầu nhưng vài hôm sau lại nghe tin chị nọ, chị kia tiếp tục mang thai" - anh Sa nói.

Hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp được gia đình chị A.T ít con. Theo chị T., nhà chị chỉ có 2 đứa, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi là … lạ ở trong làng. Làng này nhà nào cũng đẻ nhiều hết, có nhà lên tới 14 con.

Tìm mọi cách để giảm sinh

Tâm sự về những vất vả của nghề, chị H’Jiar, cán bộ tuyên truyền dân số ở Ea Luh, cho biết đã tìm đủ mọi cách để tuyên truyền cho người dân, thậm chí đến tận nhà vận động từng cặp vợ chồng, hướng dẫn cụ thể các biện pháp như dùng bao cao su, uống thuốc tránh thai. Nhưng người đồng bào xấu hổ, mang bao cao su về nhà rồi lại vứt chứ không dùng. Nhiều lần địa phương tìm đủ cách để người dân tránh thai để ngưng đẻ nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động
  Từ khóa: nhân khẩu ,mệnh danh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP