Khu trục hạm Trung Quốc tiếp cận sát mũi khu trục hạm USS Decatur của Mỹ tại khu vực Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Hải quân Mỹ hôm qua công bố ảnh chụp cho thấy tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C của Trung Quốc áp sát ở khoảng cách nguy hiểm với USS Decatur khi chiến hạm Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Charles Brown, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho biết tàu Lan Châu đã thực hiện các động tác cơ động "càng lúc càng hung hăng" và áp sát tàu Mỹ một cách "nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp" ở khoảng cách chỉ 41 m, buộc USS Decatur phải đổi hướng để tránh va chạm.
Đây là lần chạm trán thứ hai giữa chiến hạm hai nước trên Biển Đông trong năm nay. Tháng 5/2018, các chiến hạm Trung Quốc phát cảnh báo xua đuổi hai tàu chiến Mỹ đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hải quân Mỹ tàu Trung Quốc hành xử "an toàn nhưng thiếu chuyên nghiệp" trong lần chạm mặt đó, nghĩa là chiến hạm Trung Quốc di chuyển một cách bất thường nhưng không tạo nguy cơ xảy ra va chạm như lần chạm trán ngày 30/9.
Các chuyên gia cho rằng hành động áp sát của tàu Lan Châu với tàu Decatur hôm 30/9 đã đi ngược các cam kết đã được Mỹ và Trung Quốc nhất trí trong Bộ quy tắc về Chạm mặt bất ngờ Trên biển (CUES) ký năm 2014, theo Bloomberg.
"Khoảng cách 41 m theo như báo cáo là rất thấp để đảm bảo an toàn. Tôi cho rằng đây là hành động có tính toán và được chỉ huy cấp cao phê chuẩn như một trong các động thái đáp trả Mỹ của Trung Quốc trong thời gian gần đây", chuyên gia Collin Koh Swee Lean thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nhận định.
Khu trục hạm USS Decatur (DDG-73). Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Từ trước đến nay, quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc hiếm khi có những lần chạm trán quyết liệt đến vậy, đặc biệt là tại Biển Đông. Giới phân tích nhận định những sự kiện như vậy có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.
"Mọi thứ trong quan hệ song phương đều có liên hệ với nhau", Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ ở Washington, nói. "Trung Quốc cho rằng thương mại và sức mạnh quân sự gắn bó với nhau và chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh".
Trung Quốc gọi việc chiến hạm Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông là "hành động khiêu khích" và yêu cầu Washington dừng những hành động này để tránh làm suy yếu mối quan hệ giữa hai nước.
Bằng hành động cản trở tàu khu trục Mỹ một cách quyết liệt ở Trường Sa, Trung Quốc dường như đang phát tín hiệu rằng họ ngày càng cứng rắn với Mỹ không chỉ trong cuộc chiến thương mại mà cả trong vấn đề Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một cách phi lý với phần lớn diện tích khu vực bằng "đường chín đoạn" mà họ đơn phương vẽ ra.
Trung Quốc đã dồn lực phát triển quân đội trong nhiều năm qua, phát triển và hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên của mình, sẵn sàng thách thức lực lượng Mỹ cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng nỗ lực phát triển quân đội của Trung Quốc cũng như những lần chạm trán trên Biển Đông sẽ không thể buộc Mỹ dừng các hoạt động trên khu vực này. Trái lại, các lực lượng Mỹ sẽ "tiếp tục bay trên không, chạy trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép", Tim Gorman, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, tuyên bố.
"Không có gì ngạc nhiên khi quân đội Trung Quốc thách thức các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Trường Sa", Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng của Mỹ tại châu Á thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nhận định. "Đó là những hành động nhằm chống lại các quy tắc và luật lệ quốc tế, nhưng sẽ thất bại khi Mỹ tiếp tục hoạt động tuần tra".
Tác giả: Nguyễn Tiến
Nguồn tin: Báo VnExpress