Giáo dục

Làm ngay một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa?

Nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục VN cho rằng không làm ngay được như các nước đã có truyền thống lâu năm về phương thức một chương trình, nhiều sách giáo khoa mà cần lộ trình từng bước.

a1 KVMD
Trong tương lai, học sinh sẽ có nhiều bộ SGK để lựa chọn Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học giáo dục VN (nhóm được Bộ GD-ĐT “đặt hàng” nghiên cứu về đổi mới giáo dục phổ thông) cho biết: Xu hướng sách giáo khoa (SGK) trên thế giới hiện nay được tổ chức biên soạn theo các phương thức rất phong phú và đa dạng. Về cơ bản, việc biên soạn và sử dụng sách theo xu thế nhà nước xây dựng và ban hành chương trình, các nhà xuất bản (NXB) biên soạn. SGK muốn được sử dụng phải qua sự thẩm định và cho phép của nhà nước. Nhà nước có thể chủ động biên soạn một số SGK cho một vài cấp học, môn học. Việc lựa chọn và sử dụng sách thuộc quyền của các trường và giáo viên.

Từ những đúc kết cách làm của các nước, nhóm nghiên cứu của viện này đề xuất: Cũng có thể thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK. Nhà nước ban hành chương trình giáo dục (bao gồm cả chuẩn đầu ra), công bố tiêu chí SGK. Các tổ chức và tư nhân, thông thường là các NXB, các hội, liên hiệp hội… tham gia viết sách và các tài liệu học tập khác. Nhà nước tổ chức thẩm định và cho phép sử dụng sách nào đảm bảo chất lượng. Giáo viên và các trường phối hợp với phụ huynh học sinh căn cứ vào chất lượng từng cuốn sách và nhu cầu của học sinh mà chọn sử dụng phù hợp.



Vai trò quản lý của nhà nước

Tuy nhiên, có những khó khăn nảy sinh khi thực hiện chủ trương này. Trên thực tế, sẽ có những cuốn sách được ít NXB, nhóm tác giả đăng ký viết nhưng cũng có những cuốn SGK nhiều NXB, tác giả muốn viết. Có thể sẽ nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận động tham gia viết sách, được hội đồng thẩm định đánh giá tốt để được nhiều trường mua sách của mình. Mặt khác, nếu không giám sát tốt, nhà nước có thể không chủ động được trong việc đảm bảo đủ SGK cho học sinh học tập.

Để phòng ngừa những khó khăn có thể xảy ra này, theo các chuyên gia, trước mắt không làm ngay như các nước đã có truyền thống lâu năm về phương thức một chương trình, nhiều SGK mà cần lộ trình từng bước.

Cụ thể, sau khi công bố về chương trình mới, nhà nước cần quản lý, tổ chức việc đăng ký viết sách của các NXB và nhóm tác giả (công bố tiêu chí), tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký của NXB và nhóm tác giả, lựa chọn một số lượng nhất định cuốn SGK cần viết cho mỗi môn học ở từng lớp. Chẳng hạn thời gian đầu không nên quá 4 bộ SGK khác nhau, mỗi NXB viết không quá 1 bộ.

Căn cứ vào kết quả đăng ký, xét chọn NXB và nhóm tác giả tham gia viết, nhà nước sẽ đảm nhiệm tổ chức hoặc chỉ định NXB nào đó viết những cuốn SGK cần thiết cho học sinh nhưng chưa được các NXB và nhóm tác giả lựa chọn.

Tổ chức thẩm định và đánh giá khách quan chất lượng các cuốn sách và cho phép ban hành những sách đạt chuẩn nhất định.

Có các biện pháp ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực như NXB có tác động tiêu cực tới hội đồng thẩm định, tới các trường hoặc các nhóm tác giả công kích lẫn nhau…

Thử nghiệm cuốn chiếu không còn thích hợp

Xung quanh việc thử nghiệm chương trình mới, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng khi xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông, hoạt động thử nghiệm những điểm mới của chương trình cần được quan tâm. Tuy nhiên, việc thử nghiệm cuốn chiếu từ lớp 1 - 12 không còn thích hợp nữa trong bối cảnh phát triển chương trình khá liên tục, luôn phải cập nhật những điểm mới… Do mức độ, nội dung và trọng tâm đổi mới ở các cấp học trong giai đoạn tới sẽ khác nhau nên cách thức tổ chức thử nghiệm ở từng cấp học cũng sẽ khác nhau.

Với cấp tiểu học, giáo viên đã quen với dạy những nội dung tích hợp nên việc thử nghiệm không cần ở quy mô lớn mà ở giới hạn trong phạm vi nhỏ. Với cấp THCS thì cần thử nghiệm kỹ hơn do xuất hiện môn tích hợp mới trong khi giáo viên chỉ quen dạy từng môn học riêng lẻ. Vì vậy cần tập trung thử nghiệm về dạy học tích hợp mới, bồi dưỡng giáo viên để đảm đương được các môn tích hợp.

Cần tổ chức thử nghiệm kỹ ở THPT, có thể từ lớp 10 - 12. Ban đầu thử nghiệm ở một số trường THPT, sau đó có thể mở rộng diện thử nghiệm và cho phép triển khai đại trà. Trong quá trình triển khai chương trình, có thể luôn cập nhật những điểm mới để có sự điều chỉnh kịp thời.

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị cần thực hiện thử nghiệm cả chương trình và SGK.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết: Trước đây, chúng ta biên soạn xong chương trình mới viết SGK thử nghiệm và dạy sách đó để thử nghiệm độ tin cậy của chương trình. Sau vài năm dạy thử nghiệm mới tiếp tục hoàn thiện và phê duyệt chương trình. Theo cách làm mới, sẽ không chờ đến lúc biên soạn xong chương trình mới thử nghiệm mà tiến hành đánh giá tác động ngay khi đưa ra những nội dung giáo dục, phương pháp dạy học hay đánh giá mới.

Tác giả bài viết: Tuệ Nguyễn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP