Kinh tế

Lạ lùng: Nợ như 'chúa chổm', đại gia phố núi vẫn hào phóng cho vay nghìn tỷ

Dù tình hình kinh doanh lỗ nặng, nợ vay chiếm tới 80% tổng tài sản, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn cho vay hàng nghìn tỷ đồng các cá nhân, đơn vị "không rõ danh tính" mà không có tài sản đảm bảo.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 với tình hình "sức khỏe" bết bát hơn nhiều so với tự công bố (trước đó). Theo đó, sau kiểm toán công ty này lỗ ròng gần 1.200 tỷ đồng so với con số 885 tỷ đồng trước đó tự công bố, (tức lỗ thêm 312 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nợ phải trả của doanh nghiệp lên tới 4.500 tỷ đồng, chiếm tới 80% tổng tài sản của công ty. Trong đó, nợ ngắn hạn đạt khoảng 2.590 tỷ đồng, vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 945 tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán hoài nghi về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Bất thường là dù nợ như “chúa chổm” và tình hình kinh doanh lỗ nặng nhưng Tập đoàn Đức Long Gia Lai lại rất hào phóng khi cho một số tổ chức, cá nhân vay lên tới cả nghìn tỷ đồng mà không có tài sản đảm bảo hay bảo lãnh bên thứ ba.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2022, số tiền phải thu mà công ty cho vay ngắn hạn đạt khoảng 1.280 tỷ đồng, cho vay dài hạn hơn 970 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn một nửa số tiền cho vay thuộc danh mục "đối tượng khác" không rõ danh tính.

Đáng nói, hoạt động cho vay của Tập đoàn Đức Long Gia Lai dường như không có hiệu quả. Tại thời điểm 31/12/2022, doanh thu hoạt động tài chính 283 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay cũng đã chiếm tới 263 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty cũng lần lượt âm 30 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.

Dù số nợ chiếm 80% tổng tài sản, nhưng Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn "hào phóng" cho vay cả nghìn tỷ đồng.

Theo lý giải của công ty về việc cho vay không cần tài sản đảm bảo, Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng, hội đồng quản trị (HĐQT) đã ban hành quyết định thông qua chủ trương thực hiện các hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các doanh nghiệp và người có liên quan. Tất cả các khoản cho vay có giá trị nhỏ hơn 35% tổng tài sản công ty.

Công ty này khẳng định đang thực hiện phương án cấu trúc tình hình tài chính, sắp xếp lại bộ máy, và bán chuyển nhượng các dự án như Đức Long Tower, Bến xe Đức Long Bảo Lộc, khách sạn Đức Long… để duy trì hoạt động và có lợi nhuận.

Đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt đánh giá, đến thời điểm này, chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng để xác định giá trị các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của tập đoàn hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Đây không phải lần đầu tiên "đại gia" phố núi này có những bất thường trong báo cáo tài chính. Theo các chuyên gia, việc một doanh nghiệp đang nợ chồng chất, dòng tiền âm nhưng lại mang tiền đi cho vay không hiếm, có thể là một thủ thuật, "xào nấu" để làm đẹp báo cáo.

Tác giả: Dương Hưng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP