Pháp luật

Khung hình phạt nào cho bị can vụ nâng khống thiết bị y tế ở Hà Nội?

Ông Cảm cùng 6 đối tượng bị khởi tố, bắt giam để làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.

Trong bối cảnh cả nước đang đối phó với dịch bệnh Covid-19, toàn hệ thống chính trị và người dân đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh thì việc giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cùng đồng bọn nâng khống giá trị các thiết bị chống dịch Covid-19 có giá trị 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng, nhiều ý kiến cho rằng hành động này không chỉ là cô cảm mà còn là tội ác.

Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt tạm giam liên quan đến việc nâng khống giá nhập máy xét nghiệm Covid-19.

Liên quan đến việc này, ngày 22/4, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi) - Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời, đơn vị này cũng đang bị điều tra về số lượng máy được nhập về Việt Nam.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc tại Công ty Luật Số 1 Hà Nội phân tích, pháp luật về đấu thầu đã quy định đầy đủ về trình tự, thủ tục mua sắm cũng như quyền và trách nhiệm của các bên trong đấu thầu. Tuy nhiên, vì lợi ích các bị can đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu thể hiện thông qua việc nâng giá mặt hàng mua sắm để trục lợi. Đây là hành vi xâm phạm đến hoạt động cạnh tranh, công bằng, bình đẳng và hiệu quả kinh tế, đồng thời gây tổn hại đến ngân sách quốc gia và kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo đó, tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có 3 khung hình phạt.

Về khung hình phạt của tội này, Luật sư Thu phân tích, khung 1 quy định người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Đây là khung cơ bản cấu thành tội này. Khung 2 quy định trường hợp người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm, nếu có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

“Khung 3 quy định người phạm tội nếu gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”-luật sư Thu nói.

Theo luật sư Thu, trong trường hợp Cơ quan điều tra xác định được số máy không phải là một chiếc, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ tham gia của từng bị cáo và giá trị thiệt hại, nếu người phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật hình sự hiện hành.

Bên cạnh đó, theo vị luật sư này, trong quá trình điều tra, nếu cơ quan công an có căn cứ cho thấy những người này ngoài việc thực hiện hành vi quy định vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, và có hành vi "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" theo luật sư Thu thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.

Trong trường hợp này cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật hình sự nhưng qua điều tra cơ quan điều tra xác định các bị can còn phạm tội “Đưa hối lộ” (Điều 364 BLHS), tội “Nhận hối lộ” (Điều 354 BLHS) thì cơ quan điều tra phải ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 364 và 354 Bộ luật hình sự để điều tra làm rõ hành vi này.

Việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội sẽ được Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội sau đó quyết định hình phạt chung với các tội đó để buộc bị cáo phải chấp hành./.

Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Ngoài ra, C03 còn ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với: Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội; Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông; Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các lệnh trên. Trong quá trình điều tra, C03 bước đầu xác định với vai trò là giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết, gian lận, thông đồng với các bị can khác nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP