Trong nước

Không chỉ “ăn không từ thứ gì…” mà còn “ăn không còn thứ gì”…!

Dê lạc lối vào nhà quan huyện. Gà nhầm đường tới nhà quan xã. Tiền hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn cũng “sải cánh” đi sai địa chỉ và đến cái nhà ở xã hội, tưởng không có “chân” nhưng nó cũng biết “lỡ bước” tìm đến những gia đình giàu có. Người ta không chỉ “ăn không từ thứ gì…” mà còn “ăn không còn thứ gì” của dân.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trước hết, phải khẳng định nhà cho người thu nhập thấp – Nhà ở xã hội là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính từ những việc làm này, Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, là một trong những quốc gia có chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tốt hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, đã có không ít trường hợp lợi dụng chủ trương đúng đắn và truyền thống nhân văn này để trục lợi. Những căn nhà đáng ra dành cho những người thu nhập thấp thì giờ đây, nước không “chảy chỗ trũng” mà leo tới tận những tầng lớp thượng lưu, thậm chí giàu có trong xã hội.

Trong phóng sự “Ô tô ngập tràn ở khu đô thị cho người thu nhập thấp” đăng trên báo Dân trí, phóng viên Thế Hưng cho biết tại Đặng Xá, một khu đô thị dành cho người thu nhập thấp, nhiều đại gia đã “chộp” miếng bánh của người nghèo.

Họ là những người giàu có, nhiều người còn có vị thế xã hội và đều đã có nhà rồi. Thế nhưng bởi giá nhà ở xã hội so với nhà thương mại rất rẻ, chỉ khoảng dưới mười triệu đồng/m2, một căn nhà 65 – 70 m2 với giá gốc chỉ khoảng 5-600 triệu đồng.

Kèm theo đó, giá dịch vụ ở những nơi này cũng rất rẻ, khoảng 2.800 đồng/m2. Và thế là sẵn tiền, họ luồn lách mua một hai căn hộ để làm “nhà nghỉ cuối tuần”, cho “bồ nhí” và không loại trừ, cho thuê để tăng thu nhập.

Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội của những người có thu nhập thấp rất lớn nhưng nguồn cung còn chưa đáp ứng đủ. Tính chung đến nay, cả nước đã hoàn thành 51 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp, quy mô hơn 25.800 căn hộ; 84 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô 28.500 căn hộ. Ngoài ra, đang có 171 dự án NƠXH khác đang được triển khai.

Từ những con số nhỏ nhoi trên, cho thấy hiện đang còn nhiều, rất nhiều những gia đình có thu nhập thấp chưa có nhà ở. Họ đang phải ở nhà thuê tồi tàn nhưng với giá rất cao kèm theo đủ các khoản chênh lệch do bị chủ nhà ép như tiền điện, nước, intenet…

Trong bài báo trên, tác giả Thế Hưng cho biết một quan chức của Hiệp hội kinh doanh bất động sản đã bùi ngùi thốt lên: "Họ có thu nhập cao nhưng gian dối hồ sơ, thu nhập, tranh mua nhà ở xã hội với người nghèo để kiếm lợi, đó là vấn đề về đạo đức".

Cách đây ít lâu, báo chí đã phát hiện một vụ khá tai tiếng, đó là một bác ở Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã “lọt” vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư.

Điều hài hước, bác ấy là bố đẻ của bà Tổng giám đốc và ông Phó Tổng giám đốc của BIC VN và hiện đang sống trong biệt thự của con bác ấy tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội.

Có thể có câu hỏi, rằng sao họ giàu có mà còn tham thế nhỉ? Nhưng cũng có thể có câu trả lời rằng, vì tham nên họ mới giàu có. Song, có một chân lý “bất biến”, đó là với kẻ tham lam, tiền không bao giờ là đủ.

Cách đây gần một thế kỉ, Nhà văn Nam Cao đã viết: “Hạnh phúc như một cái chăn hẹp, người này co thì người kia mất phần”. Vâng, “Miếng bánh nhà ở cũng như một chếc chăn hẹp, người giàu co thì người nghèo mất phần”.

Mà người giàu thường to khỏe lại nhiều “võ”, còn người nghèo thì hay ốm yếu nên họ mà “co” thì người nghèo chỉ biết đứng nhìn mà… than khóc!

Dê lạc lối vào nhà quan huyện. Gà nhầm đường tới nhà quan xã. Tiền hỗ trợ cũng “sải cánh” đi sai địa chỉ và đến cái nhà ở, tưởng không có “chân” nhưng cũng tìm đến với những gia đình giàu có. Người ta không chỉ “ăn không từ thứ gì…” mà còn “ăn không còn thứ gì” của dân.

Tác giả bài viết: Bùi Hoàng Tám

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP