Kinh tế

Khởi nghiệp thăng trầm của nữ CEO Việt trên đất Campuchia

Lập công ty lúc vừa tròn 30 tuổi, chị Phượng đã trải qua nhiều chông gai, thậm chí đánh đổi cả hạnh phúc gia đình.

Bài học kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại của doanh nhân luôn có giá trị với cộng đồng Start-up. Dưới đây là những chia sẻ về quá trình khởi nghiệp do chị Phạm Thị Ngọc Phượng- Giám đốc Công ty Amazing Indochina Tour tại Campuchia chia sẻ với bạn đọc VnExpress.

Sinh năm 1977, tôi đã rời Việt Nam từ 2006 để sang Campuchia lập nghiệp. Khi còn là sinh viên, tôi đã quyết tâm 30 tuổi sẽ lập công ty riêng. Do đó, tôi xác định mình phải đi học việc ở tất cả những nơi cần thiết, từ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc cũng như xây dựng các mối quan hệ có thể. Và rồi, tôi đã lập nên công ty của mình như dự kiến ngay khi bước vào tuổi 30, và chỉ vừa sinh con một năm. Công ty của tôi chuyên về làm tour môtô, xe máy, hội nghị...

Mục tiêu của tôi là mong muốn được tự chủ về thời gian và kiếm tiền nhiều hơn, cũng như đáp ứng được mong muốn của chồng là có một công ty riêng để "nở mày, nở mặt". Tuy nhiên, lúc làm chủ tôi mới thấy mọi việc trở nên khá áp lực. Sau không quá một năm, tôi cảm nhận công việc mới đã vắt kiệt sức lực bản thân khi một mình phải làm mọi thứ ở nơi "đất khách quê người".

Tôi làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày để duy trì hoạt động công ty và trả các chi phí cũng như phát triển thị trường khi vốn quá ít. Vì dành toàn bộ sức lực của mình cho công ty, nên tôi không còn thời gian để quan tâm đến bản thân cũng như chồng mình đang sống ra sao. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình làm vì gia đình thì chồng phải hiểu và có sự chia sẻ.

Chị Phượng cho biết, để làm chủ doanh nghiệp phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí là hạnh phúc gia đình. Ảnh: NVCC

Nhưng rồi, tôi đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Cái mất đầu tiên trong việc khởi nghiệp của tôi đó là sức khỏe giảm sút trầm trọng. Từ một người luôn tập thể dục hàng ngày, chơi nhiều môn thể thao, tài chính dư giả, người cân đối, tôi từ bỏ mọi thú vui tập tành và người gầy đi 6-7 kg so với lúc trước khi lấy chồng, mặt mũi thì hốc hác.

Cái thứ hai tôi mất chính là một gia đình êm ấm. Khi tôi mải mê trong công việc thì chồng cứ nghĩ vợ có thể làm được mọi thứ từ kiếm tiền đến nội tướng cho gia đình, nên bỏ mặc tôi tự xoay sở. Đến lúc nhìn ra vấn đề, tôi biết rằng hạnh phúc gia đình đã chấm dứt và không thể níu giữ. Khi công ty có chỗ đứng, có địa vị, có đồng ra đồng vào thì cũng là lúc chúng tôi chia tay. Và đây chính là mất mát lớn nhất trong hành trình khởi nghiệp của tôi. Nói ra việc này tôi muốn các bạn hiểu, khi chúng ta tập trung vào công việc, rất cần một sự hỗ trợ lớn về mặt tinh thần từ người thân để làm bệ đỡ và mình có thể yên tâm làm mọi thứ bên ngoài. Còn khi mất rồi, bạn sẽ rất hụt hẫng.

Sau ly hôn, khi chỉ là phụ nữ một thân một mình sống ở xứ người, tôi đã bị chính những người Việt đang sống ở đây lợi dụng để chiếm đoạt tiền bạc. Tôi mất một số tiền lớn và lao đao về tài chính, phải chạy vạy vay ngân hàng, gia đình để có thể tiếp tục duy trì công ty. Tôi khất nợ đối tác, khất nợ lương nhân viên, sau đó quyết định trao đổi thẳng thắn với nhân viên về tình hình tài chính của công ty, đồng thời đề nghị giảm lương nhằm giảm gánh nặng chi phí. Tôi kêu gọi họ cùng ở lại "chiến đấu" với tôi nếu thấy có thể. Ai không muốn tiếp tục, tôi chấp nhận để họ đi.

Và rồi, hai nhân viên kế toán ra đi đầu tiên. Sau đó, tôi phải nhận thêm việc của công ty khác về làm để có đủ chi tiêu cho gia đình. Song song đó, tôi lao vào làm việc "không công" cho công ty của mình với hy vọng sẽ có ngày nó được hồi phục. Do đó, tôi phải làm việc nhiều hơn thời điểm mới khởi nghiệp gấp mấy lần để trả nợ và duy trì công ty.

Tôi cảm thấy mình vẫn còn những điều may mắn khác đó là trong lúc khó khăn nhất, toàn thời gian phải dồn sức vào phục hồi công ty, mẹ tôi đã thường xuyên từ Việt Nam sang Campuchia trông nom con gái giúp. Ngoài ra, anh, em, bạn bè cũng đã hỗ trợ tài chính và tạo động lực giúp tôi gượng dậy. Sau bao nhiêu sóng gió, giờ công ty tôi bắt đầu hoạt động ổn định trở lại dù quy mô chưa lớn lắm.

Mục tiêu sắp tới của tôi là đưa nhiều đoàn môtô, ôtô tự lái của nước ngoài vào Việt Nam vì mảng đó bên nước ta đang yếu do vấn đề thủ tục giấy tờ. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn đưa các đoàn môtô, ôtô của Việt Nam đi ra thế giới và thành lập đội đua chuyên nghiệp đi thi đấu quốc tế.

Qua câu chuyện của mình, điều tôi muốn chia sẻ với các bạn là khi tự đứng ra làm chủ doanh nghiệp, bạn sẽ không biết việc gì sẽ xảy ra trên chặng đường đi. Bởi vậy, các bạn cần một nguồn lực tài chính hậu thuẫn (có thể là từ người thân) để có thể yên tâm khi khó khăn hoặc lúc cần thiết. Vì khi khởi nghiệp, rủi ro trắng tay là chuyện rất bình thường, nếu bạn không thể cứu vãn vấn đề tài chính, tức là bạn đã bị loại khỏi cuộc chơi.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng tôi muốn khuyên là các bạn hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt để có thể thích nghi với bất cứ tình huống nào, như là bị lừa, bị nói xấu, bị cô độc, bị mất niềm tin... khiến bạn trở nên nghi ngờ mọi thứ sau những gì xảy ra với mình. Tức là bạn trở thành một người hoàn toàn khác với con người trước khi khởi nghiệp.

Nhưng trên hết, tôi hy vọng các bạn vẫn có thể vượt qua mọi thứ bằng tình yêu vào công việc mà mình làm, bằng khả năng và sự học hỏi của chính mình, bằng sự hỗ trợ của người thân và gia đình, và cả niềm tin vào những người đang làm việc với bạn, bằng một sức khỏe thật tốt. Hãy chuẩn bị tốt nhất có thể và sẵn sàng đương đầu với tất cả những việc trên, bạn sẽ chiến thắng.

Tác giả bài viết: Maria Phượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP