Xã hội

Khám phá ngôi nhà thiện nguyện nơi biên giới Nghệ An

Nơi tận cùng biên cương của Tổ quốc, (ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có một “ngôi nhà thiện nguyện” được dựng lên từ công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mỹ Lý - Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và những tấm lòng hảo tâm. Với tinh thần “Ai cần đến lấy, ai có sẻ chia” hơn 2 năm qua, ngôi nhà đã trở thành điểm đến nghĩa tình của người dân nơi phên giậu này.

Những cụm từ như: Vi tính, căn chỉnh, hay ship, F3… vốn lạ lẫm với đồng bào các dân tộc Khơ Mú; Thái; Mông... khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An. Ấy vậy mà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đã gieo vào những đứa trẻ nơi đây những đam mê, khao khát.

Ngôi nhà thiện nguyện được dựng xây từ bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Lý - và sự sẻ chia, trao tạo từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân

Từ ngày có ngôi nhà thiện nguyện, có phòng học máy tính, những đứa trẻ vốn lem lút, bữa ăn còn chưa no, đã bị hút vào bàn phím với tiếng gõ lạch cạch. Nổi nền gõ máy tính: Em Cụt Minh Thư và em Mong Thị My Na xã Bắc Lý là những đứa trẻ đầu tiên trong bản biết gõ máy tính chia sẻ:

“Em cảm thấy rất bổ ích, biết ơn các chú bộ đội. Em mong tri thức này lan toả đến bản làng”.

“Bố mẹ hỏi đi đâu, cháu bảo đi tập đánh máy tính a, bố mẹ vui. Cho con biết đánh chữ và nhiều điều thú vị hơn. Con biết đánh chữ, đánh các bài thơ”.

Miền vui và sự hứng thú của những đứa trẻ biên giới khi được trải nghiệm máy tính, Internet

Không vui sao được, bao đời nay, ông bà, cha mẹ các em chỉ biết cuốc nương làm rẫy, chứ làm gì biết máy tính. Đến những người như cô Nguyễn Thị Đào, giáo viên Trường Tiểu học Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn cũng ngỡ ngàng mỗi khi chứng kiến các em học tập tại ngôi nhà thiện nguyện

“Chủ yếu các em học sinh dân tộc thiểu số nên tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế, thì việc được đến đây học này giúp các em bổ sung được kiến thức rất bổ ích; các em còn được cắt tóc miễn phí ngày cuối tuần, được đọc sách với những đầu sách bổ ích, giúp các em mở mang kiến thức”, cô Đào nói.

Đối với các em khu vực biên giới có được sách đọc là rất quý. Bộ đội biên phòng Mỹ Lý rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ của các nhà hảo tâm, để các em nhỏ biên giới có điều kiện học tốt hơn

“Ai cần đến lấy, ai có sẻ chia” thông điệp ngắn gọn, nhưng sự nhung nhớ, yêu thương của cả người cho, người nhận, cứ vọng mãi trong ngôi nhà thiện nguyện. Để mỗi lần dân đến là một lần vui đối với những cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Mỹ Lý - Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An.

Từ ngày có Ngôi nhà thiện nguyện, cuộc sống của người dân nơi phên dậu này như rộn ràng hơn. Còn với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mỹ Lý - những người dựng xây mái ấm này cũng ấm lòng.

Áo quần được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mỹ Lý kết nối với các nhà hảo tâm tặng miễn phí cho bà con

Thiếu tá Hoàng Thế tài - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: “Mỗi người một tay mỗi người một việc, sau đó dựng nên ngôi nhà từ ban tay cán bộ, chiến sĩ làm. Sau đó chúng tôi kêu gọi các tổ chức thiện nguyện ủng hộ quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm, những thứ thiết yếu với nhân dân chúng tôi đều đưa về ngôi nhà thiện nguyện. Đến nay đã gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây. Sắp tới chúng tôi sẽ kêu gọi rộng hơn đối với nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, phối hợp với chính quyền, nhà trường làm sao có chương trình giáo dục, xoá mù chữ cho người dân, gắn với ngôi nhà này”.

Ngôi nhà chưa đủ rộng nên việc bố trí khu vực đọc sách phía trước nhà và cũng thiếu bàn ghế để các cháu ngôi học

Không chỉ còn là nơi chia sẻ về vật chất, mà còn kết nối những tấm lòng thiện nguyện khắp mọi miền đất nước, sẻ chia những yêu thương đến người dân nghèo nơi phên dậu Tổ quốc. Cũng vì những tình cảm, thấu hiểu với người dân vùng cao, đặc biệt là trẻ em, chị Nhung, đã có nhiều hoạt động kết nối các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến với ngôi nhà thiện nguyện và người dân miền núi: “Chúng tôi hiểu mong muốn, khát khao của những cán bộ, chiến sĩ biên phòng đối với người dân biên giới còn dài rộng. Nhưng với đồng lương ít ỏi, công tác nơi phên dậu khắc nhiệt, mong muốn kết nối được các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm, sẻ chia với “ngôi nhà thiện nguyện” để người dân biên giới có thêm niềm vui, trẻ em bớt phần thiệt thòi”.

“Ngôi nhà thiện nguyện” vài chục mét vuông đó tưởng bé nhỏ, nhưng “rộng lớn” vô cùng giữa núi rừng biên cương./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP