Trong nước

Hơn 40 sĩ quan bị kỷ luật sau các vụ máy bay quân sự rơi

Sau 4 vụ máy bay quân sự gặp tai nạn nghiêm trọng trong năm 2016, Bộ Quốc phòng đã kỷ luật hơn 40 sĩ quan trong đó có 2 sĩ quan cấp tướng.

Ngày 9/11, tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (Phó chính uỷ Quân khu 7) được sự cho phép của Bộ Quốc phòng đã thông tin đến các đại biểu về nguyên nhân 4 vụ máy bay quân sự gặp tai nạn trong năm 2016.

Theo tướng Hoàng, trước việc số vụ tai nạn máy bay tăng đột biến, gây tổn thất nghiêm trọng, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xử lý đầy đủ trách nhiệm, từ công tác tìm kiếm, giải quyết hậu quả và chế độ chính sách, cho tới điều tra, kết luận nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay; đến nay đã kỷ luật hơn 40 sĩ quan, trong đó có 2 sĩ quan cấp tướng.

Điểm lại các vụ tai nạn, Phó chính uỷ Quân khu 7 cho hay, máy bay Su-30MK2 gặp tai nạn ngày 14/6, hiện hộp đen máy bay này đang ở Nga, chưa có kết quả giải mã, "theo đánh giá chủ quan ban đầu thì do sự phối hợp giữa hai phi công trong bật dù".

Máy bay CASA 212 bị tai nạn ngày 16/6. Cụ thể, trong quá trình bay tìm kiếm, cứu nạn, khi phát hiện dấu hiệu vật thể lạ trên biển, CASA 212 bay thấp xuống, nghiêng đột ngột trong bối cảnh thời tiết xấu khiến tầm nhìn hạn chế và góc tiếp xúc mặt biển quá gần. "Khả năng đây là nguyên nhân xảy ra tai nạn, hiện hộp đen đang đưa đi giải mã", ông Hoàng nói.

Vụ thứ 3, máy bay quân sự rơi ở Phú Yên ngày 26/8, tướng Hoàng cho biết "sau khi cất cánh không lâu thì máy bay bị hỏng động cơ, phi công đã cố gắng điều khiển bay bay ra khỏi khu dân cư nên không có cơ hội thoát hiểm".

Vụ thứ 4, máy bay trực thăng EC130 T2 bay huấn luyện bị rơi ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18/10. Hội đồng điều tra nguyên nhân đã gửi hộp đen đi giải mã, chưa có kết quả.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính uỷ Quân khu 7. Ảnh: Giang Huy

Về nguyên nhân ban đầu, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cho biết Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo an toàn bay có vấn đề; có lỗi chủ quan là trước năm 2014 trở về trước rất ít khi xảy ra tai nạn máy bay; việc thực hành kiểm tra công tác an toàn bay còn đơn giản và chưa kịp thời; phương tiện cứu hộ, cứu nạn thiếu đồng bộ...

Cũng theo tướng Hoàng, qua kiểm điểm trách nhiệm cho thấy trong công tác đào tạo cán bộ, một số vị trí chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực.

Các công việc liên quan đã và đang được quân đội triển khai, gồm có: Rà soát, kiểm tra toàn diện các đơn vị phòng không, không quân; lập phương án đưa đội ngũ đi đào tạo ngoài nước; sửa chữa, tăng hạng máy bay; mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho đảm bảo an toàn bay...

Theo thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng rất mong đại biểu Quốc hội và nhân dân chia sẻ tổn thất qua các vụ tai nạn máy bay nêu trên, cũng là tổn thất tài sản của nhân dân. “Trong các vụ tai nạn, có nhiều phi công lão luyện, những giờ bay của họ là giờ bay vàng. Mất máy bay có thể dành dụm mua lại, nhưng phi công mất đi thì tổn thất rất lớn” - Phó chính uỷ Quân khu 7 nói.

Tác giả bài viết: Võ Thành

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP