Giải trí

Hoa hậu Thùy Tiên có bị tước vương miện sau khi bị khởi tố?

“Hoa hậu không chỉ là người đẹp – mà còn đại diện cho trí tuệ, nhân phẩm và hình ảnh của phụ nữ hiện đại. Nếu người đó vướng vòng lao lý, bị điều tra với cáo buộc lừa dối người tiêu dùng, thì làm sao còn đủ tư cách để tiếp tục giữ vương miện?”

Sau khi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi “lừa dối khách hàng” liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera, một làn sóng tranh luận đã bùng nổ trong cộng đồng mạng xoay quanh câu hỏi: Liệu Thùy Tiên có bị tước vương miện?

Trên các diễn đàn sắc đẹp, nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng và yêu cầu Tổ chức Miss Grand International lên tiếng, đồng thời thu hồi danh hiệu của người đẹp Việt Nam – người từng được mệnh danh là “hoa hậu quốc dân”, sở hữu hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, được yêu mến nhờ loạt hoạt động thiện nguyện, truyền cảm hứng sau đăng quang.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an

Sự im lặng của ban tổ chức quốc tế

Tính đến hiện tại, ông Nawat Itsaragrisil – Chủ tịch Miss Grand International – vẫn chưa có bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến vụ việc. Bài đăng gần nhất trên Fanpage chính thức của tổ chức (với 7,5 triệu lượt theo dõi) là từ ngày 17/5 – trước thời điểm Thùy Tiên bị bắt tạm giam. Trong khi đó, những bài đăng cũ có sự xuất hiện của cô đều đã tràn ngập bình luận yêu cầu tổ chức “làm rõ quan điểm” và “tước vương miện”.

Trước đó, khi Thùy Tiên mới vướng vào lùm xùm quảng cáo sai sự thật về kẹo Kera nhưng chưa bị khởi tố, ông Nawat từng tuyên bố qua livestream rằng cô đã kết thúc hợp đồng với Miss Grand International nên “không liên quan” đến tổ chức nữa.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp lý và truyền thông, nhiều chuyên gia cho rằng không thể xem nhẹ vụ việc lần này – không chỉ vì mức độ nghiêm trọng của hành vi, mà còn bởi hệ lụy với hình ảnh một thương hiệu hoa hậu quốc tế.

“Việc thu hồi danh hiệu là cần thiết”

Trả lời phỏng vấn VOV.VN, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc Thùy Tiên bị bắt là “chưa từng có tiền lệ” trong giới sắc đẹp Việt, bởi đây là lần đầu tiên một người từng mang danh hiệu Hoa hậu quốc tế, với hình ảnh gắn liền với thiện nguyện, truyền cảm hứng, lại bị khởi tố hình sự với tội danh nghiêm trọng liên quan đến hàng giả, lừa dối người tiêu dùng.

Về khả năng tước vương miện, ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh: “Nếu xét một cách logic, thì việc tước vương miện là điều gần như chắc chắn phải xảy ra”.

Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International 2021

Ông phân tích, nếu Thùy Tiên là hoa hậu do Việt Nam tổ chức và trao danh hiệu, thì theo quy định hiện hành, các cuộc thi sắc đẹp bắt buộc phải có điều lệ quy định rõ tiêu chuẩn đạo đức của người đăng quang. Khi người đó vi phạm pháp luật – đặc biệt là với hành vi lừa đảo, quảng cáo gian dối – thì việc tước vương miện là hoàn toàn đúng quy định.

Trong trường hợp của Thùy Tiên – đăng quang tại một cuộc thi quốc tế, ông Long cho rằng: “Miss Grand International là một tổ chức hoạt động độc lập, có quy chế riêng. Nhưng đã là một tổ chức sắc đẹp quốc tế, họ càng phải có trách nhiệm bảo vệ danh tiếng của mình. Khi người mang danh hiệu vướng vòng lao lý, việc thu hồi danh hiệu là cần thiết”.

Ông nhấn mạnh: “Hoa hậu không chỉ là người đẹp – mà còn đại diện cho trí tuệ, nhân phẩm và hình ảnh của phụ nữ hiện đại. Nếu người đó vướng vòng lao lý, bị điều tra với cáo buộc lừa dối người tiêu dùng, thì làm sao còn đủ tư cách để tiếp tục giữ vương miện?”

Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long gọi việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố, tạm giam là một tiền lệ pháp lý rất đáng chú ý, mang tính răn đe đối với giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs. Bởi trước nay, hiếm có người nổi tiếng – đặc biệt là nghệ sĩ, hoa hậu – bị xử lý hình sự vì quảng cáo sai sự thật.

“Trước đây, khi bị phản ứng vì quảng cáo sai sự thật, họ chỉ lên tiếng xin lỗi. Mà nói thật, nhiều lời xin lỗi chỉ là hình thức, học thuộc bài, rồi biến mất một thời gian, sau đó quay lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra”, ông nhận xét.

“Chính điều này khiến một bộ phận người nổi tiếng bắt đầu ‘nhờn luật’. Họ nghĩ pháp luật coi họ là vùng cấm, không đụng tới được. Và khi đã là người nổi tiếng rồi thì muốn làm gì cũng được, không sao cả”, ông nói thêm.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, bên cạnh việc pháp luật phải xử lý nghiêm người sai, thì tác dụng lớn hơn của luật là răn đe. Và tiền lệ lần này – nếu được thực hiện đến nơi đến chốn – sẽ tạo ra hiệu ứng răn đe rất mạnh.

“Luật pháp không chỉ để xử lý người sai, mà quan trọng hơn là tác dụng răn đe xã hội. Nếu vụ này được xử lý đến nơi đến chốn, nó sẽ giúp làm trong sạch môi trường mạng, môi trường quảng cáo – kinh doanh, và buộc giới nổi tiếng thay đổi nhận thức, hành xử nghiêm túc hơn”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, hiện tại, mạng xã hội như TikTok phát triển quá mạnh, sinh ra rất nhiều TikToker, mà trong số đó không ít người đã tự tạo cho mình một “công thức” nổi tiếng. Họ dạy nhau cách phát biểu linh tinh, gây sốc, xúc phạm người khác để được lên báo, có thêm follower. Họ nghĩ: “Cứ làm đi, được nổi tiếng, tội gì không làm”.

"Thế nên tôi cho rằng, vụ việc lần này có giá trị cảnh tỉnh rất lớn, đặc biệt là với giới sáng tạo nội dung trên mạng, và cần thiết để ngăn chặn những cái xấu, cái ác từ trong trứng nước", ông Long nhấn mạnh.

Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP