Trao đổi với PL&DS, Luật sư Phan Chiều – Phó phòng Luật An Phát (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà tĩnh nhận định, với hành vi xả chất thải ra môi trường, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
Đối với việc xử phạt hành chính
Mức phạt hành chính đối với việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường được quy định cụ thể tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bao gồm:
Mức phạt chính
Tùy vào lượng nước thải và tính chất của chất thải (có thông số nguy hại cho môi trường hay không) mà trang trại của gia đình bạn xả ra môi trường hàng ngày, cơ quan tài nguyên môi trường cấp huyện sẽ phạt tiền với mức độ quy định trong nghị định này, ví dụ: xả nước thải có chứa các thông số mội trường không nguy hại thì:
- Xả nước thải vượt qua quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 2 lần thì bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến năm triệu đồng nếu lượng nước thải nhỏ hơn 05m3/ngày.
- Xả nước thải vượt quy chuẩn chất thải từ 2 lần đến dưới 5 lần thì bị phạt thấp nhất là mười triệu đến dưới hai mươi triệu nếu lượng chất thải nhỏ hơn 05m3/ngày.
Tương tự như vậy, lượng chất thải càng lớn thì số tiền càng tăng.
Mức phạt bổ sung
Tùy vào mức độ vi phạm, ngoài việc bị phạt tiền, gia đình bạn có thể bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với một số giấy phép như sau: giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy chứng nhận chăn nuôi…
Ngoài ra, có thể bị áp dụng một số biện pháp khắc phục như:
- Khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu;
- Buộc tháo dỡ công trình, trại chăn nuôi;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục và bảo vệ môi trường;
Như vậy, trong trường hợp nếu theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền Cty TNHH Hòa Hiệp có hành vi xả thải ra môi trường trái quy định pháp luật thì tùy thuộc vào mức độ vi phạm cụ thể thì Cty TNHH Hòa Hiệp sẽ tương ứng với mức phạt tiền khác nhau mà tôi đã viện dẫn trên đây.
Có thể bị xử lý hình sự
Còn trường hợp, Cty TNHH Hòa Hiệp xả thải ra môi trường ở mức độ nghiệm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì những cá nhân liên quan trực tiếp đến việc xả thải ra môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, cụ thể:
“Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường
Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Hoặc tùy diễn biến vụ việc, tính chất hành vi thì có thể những cá nhân liên quan đến việc quản lý việc xả thải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Điều 182a Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, cụ thể:
“Điều 182a. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại
Người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Bộ luật hình sự 2015 ngày 27/11/2015 (đã hoãn ngày có hiệu lực) quy định tại Điều 235 về tội Gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, đã nâng mức phạt tiền (từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng) và nâng mức phạt tù (từ 01 năm đến 05 năm).
Điều luật cũng quy định cụ thể về lượng chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy, nước thải, khí thải, bụi, chất thải chứa phóng xạ… bị xả thải ra môi trường.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Đặc biệt, đối với pháp pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Pháp nhân bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Ngoài ra, pháp nhân phạm tội còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm.
Nguồn: Theo Pháp luật & dân sinh