Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, dự thảo luật CAND sửa đổi trình QH sáng nay có nhiều điều thay đổi, điều chỉnh về mô hình tổ chức và một số cơ chế, chính sách cho lực lượng CAND. Mô hình tổ chức của lực lượng CAND thu gọn lại theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6.
Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt (phải) và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng bên hành lang QH. Ảnh: Hoàng Anh |
“Đây là Bộ đi đầu trong cuộc cách mạng về tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và thực hiện chủ trương: Bộ mạnh, tỉnh tinh, huyện toàn diện, xã sát cơ sở", ông Việt nói. Ông đánh giá đó là chủ trương phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và tình hình thực tiễn hiện nay.
Về chủ trương phong, thăng cấp bậc hàm tướng, số lượng tướng trong CAND, quy định của Bộ Chính trị nêu rõ cần quy định chặt chẽ, cụ thể ngay trong luật; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp tướng. Nhưng dự thảo lần này không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định Cục đặc biệt để phong hàm Trung tướng. Theo ông, việc này có mâu thuẫn?
Thực ra bối cảnh lịch sử làm luật CAND thời điểm năm 2014 là một bối cảnh khác, còn bây giờ công an đã thay đổi cơ bản về mô hình tổ chức chứ không còn mô hình tổ chức như năm 2014.
Trước đây, Bộ Chính trị cho chủ trương rất rõ ràng, không lấy đặc thù địa bàn cấp tỉnh để làm tiêu chí xét cấp tướng.
Thế nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, quan điểm của UB Quốc phòng An ninh đã báo cáo QH và phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền 3 vấn đề.
Thứ nhất, có nên đưa chức danh trần cấp tướng vào trong luật hay chỉ để những vấn đề cơ bản rồi giao cho Chính phủ và Thường vụ QH quyết định. Thứ hai, xác định trần Cục đặc biệt và thẩm quyền của Thủ tướng với Cục đặc biệt của đặc biệt. Thứ ba, Công an cấp tỉnh thành có tướng hay không. Những vấn đề này cần được đưa ra QH thảo luận kỹ.
Giải trình tại phiên họp UB Thường vụ QH gần đây, Bộ trưởng Tô Lâm có phân tích việc quy định Giám đốc công an tỉnh có hàm tướng sẽ gỡ vướng rất nhiều trong công tác cán bộ. Ví dụ Giám đốc Công an tỉnh được quy hoạch lên Thứ trưởng, nhưng muốn lên Thứ trưởng phải có cấp hàm tướng, trong khi thực tế lại không được?
Việc này có nhiều bất cập, kể cả trong quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Ví dụ trên này quy hoạch Thứ trưởng thì ở cấp cục có trần quân hàm cấp tướng, phải luân chuyển về cơ sở để có thực tiễn. Nhưng khi về cơ sở, tức là làm giám đốc công an tỉnh thì quân hàm cao nhất chỉ là Đại tá.
Hay như ở dưới là Giám đốc Công an tỉnh được quy hoạch phát triển lên làm Thứ trưởng, nếu không có cấp trung gian mà từ tỉnh thẳng lên Bộ thì không bao giờ Thứ trưởng có quân hàm Thượng tướng như quy định. Vì Đại tá lên phải có thời gian tích luỹ, cứ 4 năm một cấp, như thế là cũng có cản trở, ách tắc.
Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, mình mổ xẻ, phân tích để xem mặt nào là tối ưu để lựa chọn, trình cấp có thẩm quyền xin ý kiến.
Dự luật này mới thảo luận lần đầu, còn kỳ thứ 2 mới thể hiện quan điểm. Giờ phải tôn trọng các ý kiến vì ngay cơ quan thẩm tra cũng còn nhiều ý kiến khác nhau nên không thể kết luận nghiêng về bên nào cả. Phải chờ QH thảo luận và tổng hợp ý kiến.
Đang 'hoành tráng', gộp lại là 1 cuộc cách mạng
Bộ Công an đã có Đề án sắp xếp bộ máy tinh gọn, trong đó bỏ cấp tổng cục. Việc sửa đổi dự luật CAND lần này đề cập đến vấn đề này như thế nào? Liệu sau khi cắt giảm cấp tổng cục, số lượng tướng có giảm đi, thưa ông?
Việc này phải căn cứ vào Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và tổ chức bộ máy của Bộ Công an. Tức là chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định rõ Bộ, cục, tỉnh, huyện, xã có bao nhiêu đầu mối.
Vì chưa có Nghị định nên chúng ta chưa biết có bao nhiêu cục. Nhưng tinh thần là giảm rất mạnh mẽ, bởi phương châm là làm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 6 Tổng cục, 2 Bộ Tư lệnh, 126 đơn vị cấp cục và tương đương chỉ còn gần 60 đầu mối cấp cục và tương đương, không có cấp tổng cục.
Bộ Chính trị ra chủ trương rồi, số nào hết tuổi thì nghỉ hưu, số nào chờ nghỉ thì cho nghỉ, còn tuổi công tác thì không còn tổng cục phải xuống cục thôi.
Điều này phải rất chia sẻ với anh em vì họ thiệt thòi, hy sinh. Đường đường chính chính hoành tráng thế này mà gộp lại là 1 cuộc cách mạng. Còn muốn biết sau khi giảm cấp trung gian, tổng số tướng bao nhiêu thì phải chờ Nghị định của Chính phủ.
Nếu quy định số lượng cấp tướng và trần quân hàm cấp tướng trong luật thì công khai, minh bạch nhưng có ý kiến cho rằng không nên quy định việc này vào luật để linh hoạt hơn. Nhưng liệu linh hoạt quá lại dễ xảy ra chạy chọt thì sao, thưa ông?
Linh hoạt ở đây có ràng buộc. Thứ nhất, luật căn cứ vào tiêu chí cơ bản, còn quy định từng chức danh một là Thường vụ quy định, hai là Thủ tướng quy định. Hai cấp ấy sẽ rà soát chứ không phải muốn tuỳ tiện, chạy ngược, chạy xuôi được. Như vậy vẫn công khai minh bạch.
Luật mang tính chất cứng, không linh động, còn Thường vụ tháng nào cũng họp, QH thì một năm 2 lần họp đâu phải muốn sửa là sửa được đâu.
Sẽ không còn chuyện lương tổng cục trưởng bằng cấp phó
Vậy những bất cập như quân hàm cấp tổng cục không bằng cấp cục hay PGĐ Công an của Hà Nội và TP.HCM có quân hàm cao hơn Giám đốc Công an các tỉnh… có giải quyết được không?
Thật ra thực tiễn có cái khó của quân đội và công an là chức danh cơ bản thì ít. Ví dụ quân đội có 14 chức danh cơ bản từ tiểu đội đến bộ trưởng nhưng thực tế chức danh là hàng chục nghìn, nhiều chức danh quá nên xác định chức danh tương đương khó.
Cho nên PGĐ Công an Hà Nội là thiếu tướng, trong khi Giám đốc Công an các tỉnh lại là đại tá. Hay Tổng cục phó là thiếu tướng nhưng Cục trưởng lại là Trung tướng. Đấy là những bất cập dẫn đến việc anh cục phó không phấn đấu lên Tổng cục phó vì lên Tổng cục phó cấp thấp hơn. Nó trái ngược thế nhưng mô hình tổ chức của mình chỉ tương đối.
Bây giờ mới tính đến việc bỏ cấp tổng cục đi, chỉ còn cấp cục. Tức là hình thức của mình lâu nay nhiều cấp trung gian quá! Cấp trung gian ở bên ngoài dân sự tính bằng hệ số lương thì dễ hơn. Quân đội với công an lương theo quân hàm, không phải lương theo chức vụ nên khó xử.
Lương gắn với quan hàm có bất cập lớn là người phụ trách nhiều quân như Công an cấp tỉnh hàm đại tá lương thấp hơn cục trưởng chỉ quản lý mấy chục quân lại hưởng lương cao hơn rất nhiều?
Lương của công an, quân đội là lương quân hàm, phụ cấp trách nhiệm không ăn thua gì. Bây giờ thực hiện cải cách chính sách tiền lương vừa được thông qua tại TƯ 7 (tính lương theo chức vụ ) sẽ giải quyết được mâu thuẫn này. Như thế không có chuyện ông bí thư tỉnh uỷ lương thấp hơn chánh văn phòng hay trong quân đội ông tổng cục trưởng cũng tương đương lương ông Phó tổng cục trưởng mà là trung tướng.
Ví dụ như quân đội hay công an, trợ lý cũng đại tá, cán bộ phòng cũng đại tá, cán bộ cục cũng đại tá thì hưởng lương đồng đều không có kích thích. Tôi làm lãnh đạo chỉ huy thì lương phải cao hơn anh em chứ.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet