Xã hội

Hàng loạt chợ tiền tỷ "đắp chiếu" tại Nghệ An: Kỳ 1 - Nỗi buồn chợ nông thôn mới

Có một thực tế hiện nay là để tập trung đầu tư tăng tốc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống chợ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cố gắng hoàn thành theo tiến độ. Tuy nhiên, vì nguyên nhân chủ quan, chưa bàn bạc hoặc chưa có sự thống nhất, đồng tình của người dân, chính quyền địa phương đã quyết định bằng mọi giá phải hoàn thành việc xây mới chợ. Và, sau khi xây chợ xong lại rơi vào tình trạng tiểu thương, người dân không mặn mà với việc họp chợ…

Tháng 8 năm 2014, nhân dân và chính quyền xã Hưng Đông, TP Vinh đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM sau 3 năm thực hiện các mục tiêu Chương trình Quốc gia. Nhiều hạng mục công trình đã được xây dựng mở rộng khang trang theo các tiêu chí mà Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đề ra. Hệ thống chợ, trường, trạm…đã được huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Mặc dù là xã ven đô, ngoại thành của TP Vinh nhưng Hưng Đông được đánh giá cao trong công tác huy động sức dân, linh động trong công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền địa phương để hoàn thành các tiêu chí đề ra. Cùng với đó, hệ thống chợ mới của Hưng Đông tại khu vực ngay sát trụ sở UBND xã trên đường Nguyễn Trường Tộ cũng được khẩn trương huy động mọi nguồn vốn để hoàn thành.
images1599760 anh 1
Chợ Hưng Đông, TP Vinh xây dựng để đón NTM đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, một số hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ mới của xã Hưng Đông đã có chủ trương quy hoạch từ năm 1999, trước khi có khu công nghiệp Bắc Vinh hình thành. Qua nhiều lần vận động, thu hút nguồn vốn, dự án xây mới chợ Hưng Đông vẫn “nằm trên giấy”. Mãi đến những năm gần đây, khi xã được phê chuẩn các tiêu chí để xây dựng NTM theo Chương trình mục tiêu Quốc gia, chợ Hưng Đông mới được hoàn thành với số vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chợ Hưng Đông xây dựng vẫn “cửa đóng then cài”, không một bóng người qua lại. Vì vậy, chợ mới Hưng Đông xây xong trở thành nơi phơi rơm, lúa và tập kết vật liệu của người dân.

“Chợ xây xong đã lâu nhưng hiện nay vẫn không có người họp. Khi người dân chúng tôi kiến nghị về việc chợ xây xong nhưng vì sao chưa tổ chức họp thì chính quyền trả lời là còn chờ đấu thấu các ki ốt còn lại. Trước khi xã đón chuẩn NTM, tưởng rằng chợ Hưng Đông cũng sẽ đón hàng nghìn người dân vào trao đổi, mua bán hàng ngày nhưng sự thật lại không phải như vậy” – Chị Nguyễn Thị Mai, một người dân trú tại xã Hưng Đông cho biết. Không chỉ vậy, qua tìm hiểu từ phía người dân thì để tổ chức cưới chợ, thu hút được đông đảo tiểu thương vào kinh doanh buôn bán thì không dễ thực hiện được. Bởi, vị trí quy hoạch, xây mới chợ Hưng Đông nằm cách xa khu vực tập trung đông người (KCN Bắc Vinh), lại trái đường nên để đến đây mua, bán rất bất tiện…

images1599763 nh 3 1
Chợ Hưng Đông, TP Vinh xây dựng để đón NTM đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, một số hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, cho biết: “Thực tế, chợ Hưng Đông đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng được là có thật. Trước đó, để hoàn thiện các tiêu chí đón chuẩn NTM thì chúng tôi cũng đã đốc thúc nhà thầu thi công cố gắng hoàn thành các hạng mục. Đến thời điểm xã đón bằng đạt chuẩn NTM (năm 2014) thì các hạng mục thi công chợ cơ bản hoàn thành khoảng 70% khối lượng”. Khi được hỏi về vấn đề tại sao việc xây mới chợ là 1 trong 19 tiêu chí để đón NTM lại xây dựng dang dở nhưng lại được công nhận đạt chuẩn? “Trong việc điều chỉnh xây dựng NTM, ở một số tiêu chí vẫn cho phép địa phương hoàn thành hơn 70% công việc vẫn được công nhận. Nguyên nhân của việc chợ đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động là do công tác đấu thầu chưa xong. Qua 2 lần đấu thầu, hiện nay mới chỉ 70 ki ốt đã được bán. Còn 13 ki ốt nữa chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu tiếp. Dự kiến, đến hết tháng 6 này, địa phương sẽ tổ chức cưới chợ” – ông Trần Anh Tấn cho biết thêm.

Còn tại xã Châu Bình của huyện Quỳ Châu, thực trạng xây chợ xong vẫn không thể đưa vào sử dụng cũng tương tự. Để tập trung mọi nguồn lực đầu tư hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM theo Chương trình mục tiêu Quốc gia, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu hiện nay đang cố gắng để thu hút vốn, nhân lực triển khai. Cùng với đó, việc xây mới chợ với số vốn hàng tỷ đồng cũng được nhanh chóng lựa chọn địa điểm để thực hiện. Năm 2015, chợ Cô Ba với quy mô hơn 5.000m2, số vốn trên 2 tỷ đồng cũng được nhanh chóng xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi xây mới chợ xong lại rơi vào nghịch cảnh không một bóng người qua lại mua bán, trao đổi. Nói cách khác, cho đến thời điểm hiện nay, chợ Cô Ba đành phải “đắp chiếu”, trở thành nơi để chơi thể thao và nơi trú chân của... trâu, bò.

images1599764 nh 4
Chợ Nam Thái – xã Nam Thái, huyện Nam Đàn xây dựng dang dở rồi “đắp chiếu”

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Chợ Tân Minh thuộc địa bàn xóm 2, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu được xây dựng đầu năm 2007 nhưng đến nay cũng bị bỏ hoang, hay chợ Cầu ở xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên được xây dựng theo tiêu chí Nông thôn mới từ năm 2014 với tổng kinh phí lên đến 12,5 tỷ đồng cũng đang phải “đắp chiếu”. Ngoài ra có thể kể đến các chợ như chợ Yên Khê, Mậu Đức, Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), chợ Tân Long (huyện Tân Kỳ)…cũng đang bị bỏ phí.

Mặc dù, chưa có con số thống kê cụ thể về tình trạng các địa phương quyết tâm xây dựng chợ để đón NTM rồi “đắp chiếu” trên địa bàn Nghệ An nhưng qua tìm hiểu thực tế, con số này không phải là nhỏ. Và, số tiền để đầu tư xây dựng mới chợ ở các xã cũng không phải là ít. Để rồi, hàng tỷ đồng tiền ngân sách và huy động từ nhân dân vẫn đang phải bỏ phí suốt một thời gian dài mà chưa tìm được lời giải?!

Tác giả bài viết: Đình Tiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP