Các bác sĩ ở trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân H.T.T. (31 tuổi, quê Bắc Giang) do buồn chuyện gia đình nên đã tìm tới rượu và bị ngộ độc rượu ethanol cấp.
Qua trao đổi với người nhà bệnh nhân được biết, những ngày cuối năm, chồng chị T. luôn trong tình trạng say xỉn sau những ngày liên hoan, nhậu nhẹt triền miên, việc nhà không lo. Khuyên bảo chồng nhiều lần không được, chị T. chán nản cũng lấy rượu ra uống và rơi vào trạng thái ngộ độc. Khi vào viện, chị T. trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt.
Nữ bệnh nhân 31 tuổi bị ngộ độc rượu |
BSCKII Đặng Thị Xuân – Phó Giám đốc trung tâm Chống độc cho biết, qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân T. bị ngộ độc rượu ethanol. Sau khi được đặt nội khí quản và điều trị tích cực trong vòng 1 tuần, bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Bệnh nhân P. T. T, 46 tuổi ở TP. Vinh, Nghệ An cũng là một trong những trường hợp điển hình của việc uống rượu quá đà dẫn tới tai họa. Dư âm của dịp cổ vũ bóng đá trong khuôn khổ giải vô địch U23 Châu Á cộng thêm những ngày cuối năm liên hoan, là những ngày anh T. uống rượu triền miên.
Đến khi được người nhà phát hiện và đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rượu, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện, tụy của bệnh nhân bị hỏng một phần, viêm gan, gan hơi to.
BS Đặng Thị Xuân thông tin, những ngày gần Tết trung tâm liên tục tiếp nhận những ca ngộ độc rượu, thậm chí có những ngày cao điểm có tới 7-10 ca ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, những trường hợp nữ giới bị ngộ độc rượu thì hiếm gặp hơn.
Với những trường hợp ngộ độc rượu, tùy người bệnh mê hay tỉnh sẽ có hướng xử trí khác nhau. Đa số các trường hợp ngộ độc đều đã bất tỉnh, mất ý thức vì thế với trường hợp này thì cần phải cho người bệnh nằm nghiêng để không bị chất nôn sặc vào phổi, sau đó gọi cấp cứu đưa đi bệnh viện.
Theo bác sĩ Xuân, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất gây hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng sẽ tăng nguy cơ tử vong.
Để hạn chế tác hại của rượu bia, cách tốt nhất là không nên uống. Còn trong trường hợp phải uống thì nên uống một cách có kiểm soát cả về lượng rượu lẫn hành vi của bản thân. Theo đó, mỗi ngày một người chỉ dùng 1- 2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 cốc bia.
Tác giả: Nguyễn Huệ
Nguồn tin: Báo Người đưa tin