Việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ được cho là rất phức tạp vì mẫu giám định không đảm bảo |
Để xác định hài cốt liệt sĩ, thân nhân của người đã mất thường dựa trên những thông tin ít ỏi còn sót lại từ đồng đội, từ di vật… để tìm tới những ngôi mộ thiếu thông tin. Sau đó, theo thủ tục quy định, họ lấy mẫu hài cốt và gửi về Phòng Thông tin Liệt sĩ (Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH) để chờ đơn vị này gửi mẫu đi làm giám định ADN.
Mỏi mòn chờ đợi kết quả
Tuy nhiên, sự bất cập bắt đầu xuất hiện từ đây, khi quá trình chờ đợi từ lúc gửi mẫu hài cốt đi giám định cho tới khi nhận kết quả kéo dài ròng rã nhiều tháng trời, có khi tới hơn một năm. Trong đó, có những trường hợp kết quả trả về là “mẫu xấu, không xác định được”, khiến thân nhân liệt sĩ vô cùng thất vọng sau một thời gian dài chờ đợi.
Để tiếp tục hành trình gian khó này, có thể họ lại phải cất công lên đường, đến những ngôi mộ thiếu thông tin trước đây và lấy mẫu lại. Thậm chí, có không ít trường hợp chấp nhận từ bỏ vì không thể lấy thêm mẫu hài cốt, hoặc cũng có thể vì sự chờ đợi kết quả giám định ADN quá lâu khiến mọi thứ không còn như trước.
Trường hợp gia đình nhà ông Hoàng Quân (ở Phú Thọ) là một điển hình. Gia đình ông Quân đang tìm kiếm thông tin của liệt sĩ Hà Văn Chúc (mã hồ sơ 1790), hy sinh tại chiến trường Campuchia. Sau nhiều cố gắng lấy mẫu với hy vọng tìm lại được hài cốt người thân, ông Quân cho biết gia đình đã chờ đợi rất lâu, từ trước Tết Nguyên đán 2016 cho tới hơn 6 tháng sau mới có kết quả.
“Gia đình sẵn sàng trả chi phí làm giám định ADN ở các cơ sở khác để đẩy nhanh tốc độ xử lý, nhưng theo quy định, chúng tôi buộc phải gửi mẫu về Phòng Thông tin Liệt sĩ ở Cục Người có công và chờ đợi kết quả giám định. Hiện đơn vị này chỉ liên kết và chấp nhận kết quả từ 5 cơ sở giám định nên việc chờ đợi rất lâu”, ông Quân cho hay.
Với số lượng hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin hiện nay còn khá nhiều, kèm theo đó là những mong muốn giám định ADN từ thân nhân người đã mất, việc để tồn tại thực trạng chờ đợi kết quả lâu như trên rõ ràng là một vấn đề bất cập cần có lời giải thỏa đáng.
Phải rất lâu kể từ khi gửi mẫu, thân nhân liệt sĩ mới được nhận kết quả giám định ADN từ Cục Người có công |
Cục Người có công nói gì?
Phóng viên Báo ANTĐ đã tìm tới Phòng Thông tin Liệt sĩ, Cục Người có công - đơn vị đầu mối tiếp nhận và xử lý các thông tin về hài cốt liệt sĩ - để tìm câu trả lời.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Kim Oanh - Trưởng phòng Thông tin Liệt sĩ cho biết, hiện nay, quy trình “chuẩn” để giám định ADN hài cốt liệt sĩ là thân nhân liệt sĩ lấy mẫu hài cốt theo hướng dẫn, gửi về Phòng để Phòng gửi tới các cơ sở giám định. Mặc dù có nhiều cơ sở giám định ADN trong cả nước, song Phòng hiện chỉ chấp nhận kết quả giám định từ 5 cơ sở là: Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng); Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an); Viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế); Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt. Theo bà Oanh, sau khi tiếp nhận mẫu, việc phân chia các mẫu tới cơ sở giám định nào là do Phòng quyết định.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới tình trạng rất lâu mới có kết quả giám định ADN từ các cơ sở được Cục chấp nhận, bà Oanh cho biết, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Trong đó, nguyên nhân khách quan được đưa ra là số lượng hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin còn khá lớn, thời gian hy sinh khá lâu nên chất lượng hài cốt kém, nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ rất cao nên khó khăn trong quá trình phân tích ADN. Đối tượng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để đối chứng tuổi cao, sức yếu, không ít trường hợp đã mất.
Nhiều nhân chứng có thể cung cấp thông tin về danh tính hài cốt liệt sĩ nay cũng đã già yếu, trí nhớ giảm sút hoặc đã mất, cộng với việc quản lý, lưu trữ hồ sơ mộ liệt sĩ, thông tin về liệt sĩ còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp bị thất lạc nên quá trình xác định thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, số lượng mẫu hài cốt liệt sĩ và sinh phẩm thân nhân liệt sĩ lớn, song công suất giám định của các đơn vị chưa đáp ứng được.
Về nguyên nhân chủ quan, bà Oanh cho rằng, nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xác định hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin ở một số đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, do vậy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn thiếu quyết tâm, giải pháp chưa thực sự tích cực. Cùng với đó, sự phối hợp của các ngành, các địa phương có nơi có lúc còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ.
Do vậy, bà Oanh cho biết, khi tiếp nhận mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định, Phòng không thể đưa ra thông tin thời điểm nào là có kết quả, kể cả áng chừng.
Những câu hỏi chưa được trả lời
Để tăng tốc độ xử lý giám định ADN các mẫu hài cốt liệt sĩ, rõ ràng, người ta thấy ngay sự cần thiết của việc tăng số lượng cơ sở giám định, cũng như tăng hiệu quả/công suất giám định của mỗi cơ sở đang được chấp nhận. Tuy nhiên, những câu hỏi về vấn đề này đều không được phía Cục Người có công giải đáp thỏa đáng.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo ANTĐ, bà Nguyễn Kim Oanh cho biết, ngoài 5 cơ sở giám định ADN đã nêu, Cục Người có công vẫn tiếp nhận “hồ sơ đăng ký” của các cơ sở giám định ADN khác, kể cả cơ sở tư nhân, sau đó, Cục sẽ trực tiếp cử đoàn xem xét năng lực chuyên môn. Nếu đáp ứng các yêu cầu đặt ra, cơ sở giám định ADN sẽ được ký hợp đồng, từ đó có thêm số lượng cơ sở giám định, tăng tốc độ và hiệu quả xử lý các mẫu.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về những yêu cầu mà một cơ sở giám định ADN cần phải có để được chấp nhận ký hợp đồng, bà Oanh cho biết quy trình kiểm tra, xem xét năng lực này hiện vẫn… chưa có, đang chờ xây dựng và thông qua. Điều đó có nghĩa là việc xác định cơ sở đủ điều kiện giám định ADN hiện nay vẫn mang nặng sự cảm tính, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Do vậy, có thể hiểu được tại sao hiện Cục vẫn tiếp nhận các hồ sơ đăng ký của cơ sở giám định ADN tư nhân, song chưa có hồ sơ nào được nộp, theo thông tin mà bà Oanh cung cấp.
Bên cạnh đó, khi phóng viên đặt câu hỏi về những quyền lợi cụ thể về mặt tài chính khi cơ sở giám định ADN tư nhân tham gia, bà Oanh từ chối trả lời “vấn đề liên quan đến tiền”, dù hiện nay, trong số 5 cơ sở được chấp nhận kết quả giám định ADN của Cục, có Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt là cơ sở tư nhân đã được Cục ký hợp đồng. Ngoài ra, trước câu hỏi về “số lượng mẫu hài cốt liệt sĩ đã được 5 cơ sở giám định cho ra kết quả”, bà Oanh cũng từ chối trả lời vì cho rằng đây là… câu hỏi “nhạy cảm”.
Như vậy, từ những câu hỏi không được trả lời nói trên, sẽ rất khó để chờ đợi một sự cải thiện tốc độ và hiệu quả giám định mẫu hài cốt liệt sĩ trong tương lai gần, khi số lượng cơ sở giám định ADN không được tăng thêm, công suất giám định của các cơ sở đã ký hợp đồng với Cục Người có công được xem là “thông tin nhạy cảm”.
Điều đó đồng nghĩa với việc không ít thân nhân các liệt sĩ vẫn phải đợi chờ ròng rã để có kết quả giám định ADN từ phía Cục Người có công, bất chấp có những gia đình sẵn sàng trả chi phí để làm giám định ở hàng trăm cơ sở tư nhân bên ngoài nhưng không được chấp nhận.
Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô