Kinh tế

Giá xăng dầu tăng "sốc", có lo lạm phát?

Giá một số hàng hóa, giá xăng dầu gần đây tăng với mức tăng tương đối lớn, theo các chuyên gia, chưa xuất hiện nguy cơ lạm phát song cũng không thể chủ quan.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Mới đây, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Cụ thể, xăng RON 95 tăng 930 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 970 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng từ 500 đến 980 đồng/lít tùy loại. Dầu diesel tăng 960 đồng/lít, dầu hỏa tăng 980 đồng/lít còn dầu mazut tăng 510 đồng/kg.

Qua dữ liệu có thể thấy, giá xăng dầu tại kỳ này tăng mạnh, dao động đến gần 1.000 đồng mỗi lít. Thậm chí, giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm kể từ tháng 11/2014. Gần đây nhất, ngày 25/9, giá xăng E5 RON 92 tăng 573 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 548 đồng/lít.

Ngoài giá xăng tăng mạnh, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng đáng kể. Chị Phương Huế, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) thông tin, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá.

Điển hình, dầu ăn Neptune chai 1 lít là 53.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít là 53.000 đồng/chai, dầu ăn Cái Lân 1 lít là 40.000 đồng. So với trước đây, mỗi chai dầu ăn đều tăng giá 3.000 - 4.000 đồng/chai, tùy loại.

Tăng giá cùng dầu ăn, mì tôm cũng tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/thùng. Ví dụ, Hảo Hảo có giá bán lẻ là 105.000 đồng/thùng, ba miền là 100.000 đồng/thùng, Kokomi là 80.000 đồng/thùng, Omachi là 200.000 đồng/thùng.

"Các mặt hàng khác như nước mắm, bột mì, mì chính, muối chấm cũng tăng nhưng không đáng kể. Với lại, tùy vào chính sách, mức độ ưu đãi, nguồn hàng nhập về mà mỗi cửa hàng sẽ đưa ra mức giá tốt nhất cho khách để cạnh tranh", chị Huế cho hay.

Dầu ăn, mì tôm đều tăng giá sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: An Chi).

Nói với phóng viên Dân trí, chủ một công ty xây dựng lớn ở TPHCM cho biết, từ đầu năm tới nay, giá thép, nguyên vật liệu xây dựng mà công ty ông nhập vào đều tăng. Tuy nhiên, mức tăng ra sao thì vị chủ tịch này không đưa ra chi tiết.

Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê đưa ra, CPI tháng 9 đã giảm 0, 62% so với tháng trước, tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0.88%.

Trong đó, 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 6 nhóm có chỉ số giá tăng. Cụ thể, 6 nhóm có chỉ số giá tăng là nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép. 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giáo dục, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm giao thông, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm bưu chính viễn thông.

Khó có nguy cơ lạm phát

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, giá xăng dầu tăng hay giảm đều có ảnh hưởng, tác động đến lạm phát. "Có nhiều yếu tố dẫn đến lạm phát nhưng giá xăng dầu tăng, giảm cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện tại, giá xăng đang ở mức cao nhất 7 năm qua chính là một cảnh báo cần lưu ý trong thời gian tới ".

Diễn giải về ý kiến trên, ông Long cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động trực tiếp đến khách hàng mua lẻ và các ngành vận tải, còn tác động gián tiếp là giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác sẽ tăng. Lý do là bởi, các khâu sản xuất và tiêu dùng đều thông qua khâu vận chuyển, nếu giá xăng tăng sẽ khiến giá chi phí vận chuyển tăng.

"Năm nay, 3/4 chặng đường chúng ta đã đi qua và cơ bản kiểm soát tốt lạm phát, chỉ còn 3 tháng cuối năm, mà những tháng này đang bị tác động bởi giá xăng dầu. Theo nhiều dự báo, giá dầu thế giới có thể chạm mốc 100 USD/thùng, nhưng theo tôi, điều này rất khó xảy ra vì nhu cầu sử dụng đang không ổn định do các nền kinh tế chưa khôi phục mạnh", ông nói.

Ông Long phân tích, nếu giá dầu tăng quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất khiến tốc độ sản xuất giảm, từ đó nhu cầu sử dụng dầu giảm. "Đối với những các nước sản xuất dầu như OPEC, họ không muốn điều đó xảy ra, họ chỉ muốn giá dầu ở mức như hiện nay hay cao hơn một chút, chứ không cao quá".

Đồng thời, vị chuyên gia này còn nhấn mạnh, để kiểm soát lạm phát tốt trong thời gian tới thì chúng ta nên có chính sách, chiến lược kiểm soát tốt giá xăng dầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguy cơ lạm phát hiện nay không đáng kể vì vòng luân chuyển của tiền rất thấp (Ảnh: An Chi).

Trái ngược với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, nguy cơ lạm phát hiện nay không đáng kể vì vòng luân chuyển của tiền rất thấp. Thế nên, cả kể giá xăng dầu, hàng hóa đều tăng trong thời gian qua nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp.

"Qua thực tế trên, nhiều lần tôi đã đề xuất, có thể bơm thêm lượng tiền lớn hơn vào nền kinh tế quốc dân. Để từ đó tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế trong tương lai mà không sợ lạm phát vì lạm phát hiện nay khá thấp. Hơn nữa, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có nhu cầu lớn ", ông phân tích.

Nhìn theo hướng tích cực, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, giá xăng dầu tăng chưa gây nguy cơ lạm phát. Mặc dù xăng dầu là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng, liên quan đến nhiều giá nhiều sản phẩm, dịch vụ khác.

"Tôi cho rằng, giá dầu có thể tiếp tục tăng nhưng không tăng quá mạnh. Trong năm tới, nhiều người cũng kỳ vọng giá dầu sẽ giảm do kỳ vọng lạm phát không quá lớn", ông nói.

Ngoài ra, ông Lực còn cho rằng, hiện nay, mức lạm phát không quá lớn là do việc kích cầu vẫn tương đối yếu, thứ hai là vòng quay của tiền còn chậm. Từ dự báo của ông, mức lạm phát trong năm nay sẽ khoảng 2,3 - 2,5%, vẫn trong ngưỡng mục tiêu dưới 4%.

Tác giả: An Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP