Sau chiến thắng của U23 Việt Nam vào chiều 23/1, trên Facebook đã xuất hiện hàng loạt các tài khoản mạo danh cầu thủ, huấn luận viên của đội tuyển. Các tài khoản giả mạo trang cá nhân của các cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải, Vũ Văn Thanh… và huấn luyện viên Park Hang Seo...
Việc ăn theo các nhân vật, sự kiện được nhiều người quan tâm để lập ra các tài khoản giả mạo lừa người dùng không phải là chiêu trò mới của tin tặc. Tuy nhiên, vẫn không ít người dùng sập bẫy do với mỗi sự kiện, hacker lại "thiên biến vạn hóa" để thu hút và đánh lừa người dùng.
Các tài khoản giả mạo được tạo ra nhằm mục đích câu like, view, tăng số lượng bạn bè, lượt theo dõi. Về sau, những tài khoản này có thể được chuyển đổi sang dạng fanpage để bán hàng gây phiền hà cho người dùng hoặc nguy hiểm hơn là trở thành phương tiện tấn công lừa đảo.
Xuất hiện hàng trăm tài khoản Facebook giả mạo thành viên đội U23 Việt Nam. |
Điều dư luận quan tâm là những kẻ giả mạo tài khoản Facebook cầu thủ U23 Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào? Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật gia Đoàn Thị Thu Hằng, khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, việc lập Facebook giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này.
Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Điều 77, luật Công nghệ thông tin quy định: “1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
2. Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi giả mạo Facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (điểm đ, khoản 3, Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện).
Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo Facebook cùa người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, nếu dùng Facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155, BLHS 2015: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 155, BLTTHS 2013 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Tội làm nhục người khác theo khoản 1, Điều 155 BLHS là tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Do đó, để có thể truy tìm ra đối tượng phạm tội bạn cần tố cáo hành vi vi phạm đến cơ quan công an và yêu cầu khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Việt Hương
Nguồn tin: Báo Người đưa tin