Thể thao

GĐKT Lê Thụy Hải rời FLC Thanh Hóa: Công và tội

Có lý do để tin rằng việc không thể đưa FLC Thanh Hoá vô địch mùa này là thất bại của GĐKT Lê Thụy Hải.

Mùa năm ngoái, FLC tiếp quản Thanh Hoá ở giai đoạn giữa mùa rồi họ đưa đội bóng ấy về đích ở vị trí thứ ba. Mục tiêu vô địch đặt ra sau hàng loạt sự bổ sung, tăng cường lực lượng cả nội và ngoại lẫn cầu thủ nhập tịch thì đương nhiên phải là hợp lý.

Chưa hết,cũng năm ngoái, đứng trên họ là HN T&T và Bình Dương thì nay Bình Dương sa sút và nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng thì khi làm phép tính đơn giản là FLC Thanh Hoá phải đứng ở vị trí thứ hai.

V-League dĩ nhiên không phải là cuộc chơi của ba đội, mà còn có Hải Phòng, SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh, nhưng không có đội bóng nào đầu tư mạnh mẽ, và chiều lòng Giám đốc kỹ thuật như là FLC Thanh Hoá.

HLV Lê Thụy Hải chưa có duyên với bóng đá Thanh Hóa.Ảnh: V.S.I

Hãy xem họ mua về những ai từ đầu mùa tới giờ để HLV Thụy Hải vẫy vùng? Này là Hoàng Văn Bình, Mai Tiến Thành từ Bình Dương; Hoàng Thịnh, Đình Đồng từ SLNA, thủ môn Thành Thắng từ Hải Phòng, đội nhập quốc tịch Việt cho trung vệ Van Bakel để ông Thụy Hải có thể giữ được thói quen dùng ba Tây dù cho mặt bằng chung V-League chỉ là hai Tây.

Đội cũng phải tổ chức cả giải giao hữu đầu mùa để chọn được chân sút Ivan Firer từng chơi ở châu Âu (Europa League), rồi đến khi ông Lê Thụy Hải chê cầu thủ này thì FLC Thanh Hoá cũng sẵn sàng tìm kiếm Emmanuel, một học trò cũ của ông Hải khi cả hai cùng thuộc biên chế đội bóng xứ Thanh cách nay 5 năm. Emmanuel hết lòng với HLV Thụy Hải tới mức trước đây từng có lần tuyên bố không ra sân vì ông Hải bị CLB kỷ luật nội bộ.

Rồi đến giữa mùa, FLC Thanh Hoá mua thêm trung vệ Bật Hiếu, lấy thêm chân sút Tăng Tuấn, và tăng cường thêm cả thủ môn dự bị khi GĐKT Thụy Hải kêu đội hình mỏng.

FLC Thanh Hoá lại đã có sẵn những Đình Tùng, Thanh Bình, Pape Omar… những cầu thủ đã và đang khoác áo các cấp đội tuyển hoặc là ngoại chất chất lượng.

Với một đội hình như thế, nếu GĐKT Lê Thụy Hải vẫn coi là mỏng, là non kém thì Hải Phòng của Trương Việt Hoàng có lẽ là siêu mỏng, còn HN T&T cũng chẳng dày hơn là mấy so với tờ giấy.

Thất bại của GĐKT Lê Thụy Hải ở FLC Thanh Hoá gợi nhớ lại chính mùa giải mà ông thất bại với Thể Công, để rồi đội bóng này sau đó bị xoá sổ.

Ông Hải khi ấy lên thay HLV Vương Tiến Dũng đã mua sắm hàng loạt, thay toàn bộ ngoại binh nhờ ngân sách gần như không giới hạn của CLB. Khi ấy ông cũng giúp đội bóng của mình có một số trận thắng ấn tượng ban đầu nhưng càng về sau thì càng đuối.

Vấn đề lớn nhất của FLC Thanh Hoá trong thời gian qua là các cầu thủ đã không giải toả được áp lực của một đội bóng hướng đến mục tiêu vô địch. Họ quyết tâm đá vì thật khó có thể tìm thấy đội bóng nào có chế độ đãi ngộ tốt như ở FLC Thanh Hoá, vì những khoản tiền chuyển nhượng xứng đáng, nhưng điều đó lại trở thành sức ép, khiến họ căng cứng và vội vàng.

Một chuyên gia đầy kinh nghiệm như ông Lê Thụy Hải đã không giúp được gì cho các cầu thủ trong khi lối chơi của CLB trong giai đoạn quan trọng lại đầy rủi ro khi họ muốn làm chủ thế trận, áp đảo đối phương rồi mới chiến thắng.

Đó chính là lý do tại sao các cầu thủ FLC Thanh Hoá luôn nóng vội trong khâu dứt điểm và thường xuyên bị đối phương khai thác với bài phản công đơn giản. Hết Sài Gòn, Quảng Nam, Đà Nẵng rồi Long An và cả HAGL cũng đều khiến cho họ phải trả giá.

Việc xây dựng một lối chơi tấn công chủ động là cần thiết với một đội bóng lớn, đầu tư mạnh về lực lượng cũng như chế độ lương thưởng, nhưng rõ ràng nó đã thiếu cân bằng.

Có lẽ ít ai muốn họ thắng xấu xí như hồi đầu mùa chỉ nhờ hơn Tây trước Than Quảng Ninh ở Cẩm Phả, nhưng hầu hết các trận ở giai đoạn quyết định thì FLC Thanh Hoá đều phải ở thế rượt đuổi.

Cứ trận này qua trận khác, rồi vòng này qua vòng khác nên các cầu thủ đánh mất sự tự tin cần thiết, và hiếm ai chơi được đúng với phong độ của mình.

HLV Hoàng Thanh Tùng sẽ vững tay chèo?

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu sau khi chia tay với HLV Thụy Hải thì FLC có thể tiếp tục cuộc đua vô địch không?

Năm ngoái, Thanh Tùng đã trực tiếp dẫn dắt FLC Thanh Hoá cán đích ở vị trí thứ ba. Thành tích đó để cho thấy dù cho chỉ là một HLV trẻ thì Thanh Tùng vẫn có đủ khả năng để tạo nên một cuộc bứt tốc bất ngờ ở giai đoạn cuối.

Thanh Tùng có thuận lợi là anh quá hiểu đội bóng của mình, đã nhiều năm làm trợ lý rồi làm HLV danh nghĩa ở xứ Thanh nên không cần phải làm quen với công tác huấn luyện cũng không cần phải tìm hiểu đội bóng.

Đấy mới chính là cơ sở để chờ FLC Thanh Hoá hy vọng là họ nếu không thể vô địch thì cũng sẽ lại lọt vào nhóm có huy chương chứ không hẳn là họ sẽ gặp ai, số đối thủ yếu nhiều hơn mạnh.

Ở Lạch Tray mới đây, thày trò HLV Thanh Tùng đã chơi một trận đấu chặt chẽ, và có cả những cơ hội để chiến thắng, riêng Đình Tùng có khoảng 5 cơ hội. Họ đã dẫn bàn trước rồi sau đó mới bị gỡ hòa. Một trận đấu mà chính HLV Lê Thụy Hải khi xem qua TV rồi trả lời báo Thanh Niên đã nói rằng đó là một trận đấu xuất sắc…

HLV Lê Thụy Hải vẫn chỉ “biết” vô địch với Bình Dương

Dù đã có ba danh hiệu vô địch V-League nhưng đó là cả ba lần HLV Lê Thụy Hải dẫn dắt Bình Dương trong khi ông đã từng làm việc ở năm đội khác trong sự nghiệp cầm quân ở V-League. Đó là các lần thử thách với HN ACB (vị trí cao nhất là thứ 5), SHB Đà Nẵng (á quân), Thanh Hóa, Hải Phòng và Thể Công. Cay đắng nhất là khi rời Thể Công thì HLV Lê Thụy Hải cũng nhìn đội bóng này giải tán, bán cho Thanh Hóa. Và Hải Phòng khi chia tay HLV người Hà Đông thì cũng xuống hạng, và sau đó mua suất V-League bằng cách sáp nhập với Khánh Hòa.

Tác giả bài viết: Anh Diệu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP