Kết quả này một lần nữa phản ánh những rạn nứt trong nội bộ khối 27 nước thành viên. Những cân nhắc về địa chính trị và an ninh năng lượng tiếp tục chi phối quan điểm của các quốc gia thành viên.
![]() |
Ảnh minh họa: EC |
Đây là một diễn biến bất ngờ, bởi chỉ một ngày trước đó giới chức Liên minh châu Âu đều tỏ rõ sự lạc quan về khả năng đạt được sự đồng thuận và được tiếp thêm động lực khi Mỹ điều chỉnh cách tiếp cận đối với vấn đề Ucraina. Gói trừng phạt do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất lần này tập trung vào ba lĩnh vực chính: năng lượng, ngân hàng và công nghiệp quốc phòng của Nga.
Một trong những điểm gây tranh cãi nhất là lệnh cấm các giao dịch tài chính liên quan đến hệ thống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream)- từng được coi là huyết mạch trong cung cấp khí đốt từ Nga vào châu Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã công khai chỉ trích kế hoạch này là “thiếu khôn ngoan”, đồng thời yêu cầu nhận được các bảo đảm cụ thể về an ninh năng lượng cho giai đoạn sau năm 2028.
"Trách nhiệm của Chính phủ Slovakia là giảm thiểu những tác động tiêu cực từ quyết định của Ủy ban châu Âu. Nếu Slovakia lựa chọn ủng hộ gói trừng phạt thứ 18, thì điều đó phải dựa trên tiền đề rằng chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận nhất định. Chúng tôi mong muốn nhận được các cam kết chính trị và sự đảm bảo rõ ràng từ các đối tác cũng như từ Ủy ban châu Âu rằng vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của riêng Slovakia, mà sẽ được coi là một thách thức chung của châu Âu".
Sau cuộc họp tại Brussels, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU, bà Kaja Kallas, bày tỏ sự thất vọng khi tuyên bố: "Tôi rất tiếc vì hôm nay chúng ta vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Chúng ta đã tiến rất gần đến việc trấn an Slovakia. Ủy ban châu Âu đã thực hiện đúng những gì phía Slovakia yêu cầu. Giờ đây, quả bóng đang nằm trong tay Slovakia. Dù hiểu rằng EU gồm 27 nền dân chủ với 27 quan điểm khác nhau, tôi vẫn hy vọng chúng ta sẽ sớm đạt được đồng thuận".
Slovakia là một trong những quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga. Một số nguồn tin tiết lộ rằng Ủy ban châu Âu đã gửi thư cam kết hỗ trợ pháp lý cho Slovakia nếu nước này gặp rủi ro kiện tụng do vi phạm hợp đồng hiện tại với Gazprom, đồng thời đề xuất cơ chế "phanh khẩn cấp" để kiểm soát giá khí đốt nếu tăng vọt. Dù vậy, yêu cầu miễn trừ hoàn toàn khỏi lệnh cấm khí đốt của Slovakia vẫn chưa được đáp ứng. Không chỉ Slovakia, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cũng nhiều lần đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt chống Nga đã bước sang năm thứ ba kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Dù mục tiêu ban đầu là làm suy yếu kinh tế Nga, giảm nguồn thu từ dầu khí và cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, song đến nay, các biện pháp trừng phạt vẫn chưa tạo ra bước ngoặt đáng kể trong cuộc xung đột. Nga đã nhanh chóng thích nghi khi xây dựng mạng lưới vận chuyển dầu độc lập, mở rộng thương mại với các nước ngoài ảnh hưởng của phương Tây, đồng thời thúc đẩy thanh toán bằng đồng rúp và các đồng nội tệ khác.
Cùng với đó, việc Tổng thống Donald Trump cảnh báo áp đặt trừng phạt Nga và phê duyệt các lô viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, nhưng yêu cầu các thành viên NATO phải trả toàn bộ chi phí cũng làm gia tăng gánh nặng lên Liên minh châu Âu. Các cuộc thảo luận về vấn đề trừng phạt Nga dự kiến sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay. Và câu hỏi đặt ra không còn là “trừng phạt có tác dụng không” mà là “mặt trận thống nhất của phương Tây” sẽ bị thử thách đến mức độ nào cùng với cuộc xung đột chưa hồi kết tại Ukraine.
Tác giả: Thu Hoài
Nguồn tin: Báo VOV