Pháp luật

Đường ngang "tử thần" rình rập người tham gia giao thông

Chỉ trong mấy ngày đầu năm mới, tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra tại các đường ngang dân sinh giao cắt với đường bộ. Trong ngày 4-2, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.

Hàng nghìn đường ngang “tử thần” luôn rình rập người tham gia giao thông - câu chuyện đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa có lời giải. Bởi, để đầu tư những nút giao thông khác mức, đầu tư gác chắn, người gác… cần kinh phí khổng lồ mà ngành Đường sắt không thể thu xếp trong một vài năm. Trong khi đó, trách nhiệm của chính quyền sở tại dường như vẫn theo kiểu “không phải việc của mình”, xem việc cảnh báo tai nạn ở đường ngang dân sinh chỉ là việc của ngành Đường sắt.
Tai nạn đường sắt chủ yếu xảy ra tại các nút giao đường ngang

Tai nạn tăng đột biến

Chỉ trong ngày 4-2, cả nước đã xảy ra liên tiếp 2 vụ TNGT đường sắt gây hậu quả nặng nề. Cụ thể, hồi 15h20, tại đường ngang dân sinh Km 98+812 trên đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tàu TN1 va vào 1 ôtô 16 chỗ ngồi làm 1 người tử vong (lái xe), 5 người bị thương nặng. Ngay sau đó, hồi 16h05, tại đường ngang Km 21+500 trên đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, thuộc địa bàn Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên, tàu LP5 va vào xe ôtô 4 chỗ ngồi vượt đường ngang dân sinh làm 3 người bị thương. Trước đó, ngày 1-2, tại Đồng Nai cũng xảy ra 1 vụ tai nạn đường sắt làm 2 người tử vong và 7 người bị thương.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, chỉ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt, làm chết 6 người, làm bị thương 11 người, tăng 60% về số vụ, 100% về số người chết, 175% số người bị thương so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Tất cả các vụ tai nạn đều xảy ra ở đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin, trung bình 1km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt. Lãnh đạo VNR nhìn nhận, nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là do ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Một số phương tiện giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường sắt không chú ý quan sát hoặc cố tình phóng nhanh vượt ẩu gây ra tai nạn.

Phải làm rõ trách nhiệm

Trong năm 2016, VNR đã lắp đặt cần chắn tự động tại 102/366 đường ngang cảnh báo tự động; lắp đặt động cơ điện cho cần chắn, giàn chắn tại 153/641 đường ngang có gác. Trong năm 2017, VNR sẽ tiếp tục kế hoạch này. Với hơn 4.200 lối đi dân sinh, VNR đề nghị xây dựng hệ thống đường gom để gom toàn bộ lối đi dân sinh đưa về vị trí đường ngang hợp pháp (ưu tiên thực hiện trước ở nơi tập trung khu dân cư, đô thị).

Tuy giải pháp này được xem là hữu hiệu để kéo giảm TNGT đường sắt, xóa bỏ những đường ngang “tử thần” nhưng việc thực hiện không đơn giản bởi đòi hỏi kinh phí lớn. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vốn cho duy tu đường sắt hàng năm dao động từ 1.700-2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Quy mô đầu tư nhỏ, đan xen, không có tác dụng làm thay đổi đồng bộ kết cấu hạ tầng của đường sắt Việt Nam.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt và VNR phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến, bao gồm cả việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị, địa phương. Đặc biệt, trước mắt, phải đề xuất phương án và phân công rõ ràng trách nhiệm tổ chức cảnh giới an toàn cho toàn bộ đường ngang, bao gồm cả lối đi dân sinh. Đối với hành vi mở đường ngang trái phép qua đường sắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an các địa phương xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các, tỉnh thành phố phải phân rõ trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt, không thể xem đây chỉ là việc của ngành Đường sắt. Nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm, Chính phủ sẽ xử lý người đứng đầu.
 “Đến cuối năm 2016, toàn mạng lưới đường sắt có 5.793 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ (đường ngang). Trong đó, đường ngang có 1.514 đường (có người gác là 641; có cảnh báo tự động là 366; có biển báo là 507) và đường dân sinh, lối đi dân sinh có 4.279 điểm”.  Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Tác giả bài viết: Ngân Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP