Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 05/08/2008 về xác định lại giới tính, pháp luật chỉ cho phép cá nhân xác định lại giới tính trong trường hợp “giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ". Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là hành vi bị cấm, mặc dù có cho phép một số trường hợp được xác định lại giới tính. Tuy nhiên, việc thay đổi hộ tịch đối với những người này mới chỉ được quy định trong Nghị định 88/2008/NĐ-CP chứ chưa được ghi nhận trong một Luật hoặc bộ Luật cụ thể nào.
Khắc phục những vướng mắc, bất cập trên, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) và Luật hộ tịch 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) trong đó quy định về quyền thay đổi hộ tịch đối với người chuyển đổi giới tính. Cụ thể như sau:
“Điều 36: Quyền xác định lại giới tính
1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Điều 37: Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Điều 3 (Luật hộ tịch) cho phép ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền các nội dung sau:
a) Thay đổi quốc tịch;
b) Xác định cha, mẹ, con;
c) Xác định lại giới tính…”.
Tác giả bài viết: Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Nguồn tin: