Dựng hàng rào pháp lý với hoạt động livestream |
Livestream: Hai mặt sáng - tối
Từ một tính năng chia sẻ thông tin, livestream trên nền tảng mạng xã hội đã và đang trở thành hoạt động kinh tế, văn hóa ẩn chứa cả lợi và hại. Nhưng đến nay, vẫn chưa có hành lang pháp lý quản lý.
Livestream đang dần trở thành kênh bán hàng hữu hiệu cho doanh nghiệp. Mới đây, các sàn thương mại điện tử đồng loạt triển khai chiến dịch khuyến mãi, “siêu sale” vào ngày 9/9. Theo thông tin từ Lazada Việt Nam, chỉ trong 2 giờ đầu, kênh livestream của nền tảng này đã bán được 14.000 lít bia, 14 tấn sữa bột, 500 lít nước tẩy trang…
Tháng 6/2023, hơn 40 KOL (người có sức ảnh hưởng) trên nền tảng mạng xã hội TikTok cùng quy tụ về xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) để thực hiện chương trình livestream quảng bá, bán hàng. Trong 4 giờ, đã diễn ra 26 phiên livestream, thu hút được 1,7 triệu lượt người xem với hơn 5.000 đơn hàng được chốt.
Trước đó, nhiều phiên bán hàng qua livestream đã gây tiếng vang lớn như: phiên livestream của Phạm Thoại lập kỷ lục livestream trên TikTok với 3 triệu lượt xem và gần 50.000 đơn hàng trong 12 tiếng phát trực tiếp; phiên livestream liên tục trong 1 ngày của Di Động Việt thu hút 1 triệu lượt xem, gần 4 triệu lượt yêu thích, bán ra gần 4.000 sản phẩm với hơn 3.000 đơn hàng…
Cùng với mặt tích cực nêu trên, livestream cũng bộc lộ những mặt trái đáng lo ngại. Tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng khá phổ biến trên nhiều kênh livestream bán hàng. Bên cạnh đó, là hàng loạt livestream xem bói, giải hạn, chữa bệnh nan y của rất nhiều “cô đồng”, “cậu bóng”, “thầy dởm”…, hay trào lưu livestream “bóc phốt”, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Đặc biệt, nhiều đối tượng phản động làm livestream để bôi nhọ, lôi kéo, xúi giục người dân, gây mất trật tự, an ninh xã hội.
Chính vì vậy, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã lần đầu tiên có những quy định về quản lý hoạt động livestream.
Làm “sạch” hoạt động livestream
Lý giải nguyên nhân đưa livestream vào đối tượng quản lý, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hình thức livestream có khả năng tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội. Trong đó, có những đối tượng đã sử dụng việc livestream để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm cá nhân, tổ chức...
“Để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng dịch vụ Internet đối với các vi phạm này, trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đang đề xuất các biện pháp xử lý nhanh, khẩn cấp đối với những cá nhân vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có hình thức livestream”, bà Huyền cho biết.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung quy định quản lý theo hướng: chỉ mạng xã hội có Giấy phép (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ livestream. Hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Quỳnh, nhà sáng lập Vitamin Network cho rằng, việc định danh và siết chặt quản lý hoạt động livestream sẽ giúp hạn chế tình trạng bán hàng giả, chất lượng kém. Điều này sẽ có lợi hơn cho cả nền tảng cung cấp dịch vụ livestream, các mạng đa kênh và những nhà sáng tạo nội dung làm ăn chân chính.
“Cơ quan quản lý nhà nước càng làm chặt, thì các đơn vị làm ăn chân chính càng có nhiều cơ hội phát triển. Thị trường livestream bán hàng tại Việt Nam vì thế cũng sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn. Người dùng cũng được hưởng lợi, bởi sẽ không còn tình trạng nội dung bẩn, xấu, độc”, ông Quỳnh nêu ý kiến.
Từ góc nhìn văn hóa, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cảnh báo, ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội, trong đó có nội dung các livestream vô bổ, phản cảm, đến trẻ em nói riêng và cả xã hội nói chung ngày càng mạnh mẽ. Giờ đây, không chỉ gia đình, nhà trường, mà ngay chính các trang mạng xã hội cũng góp phần chi phối nhận thức, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người. Bởi thế, việc siết chặt quản lý bằng những quy định pháp lý là vô cùng cần thiết.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc ban hành quy định quản lý hoạt động livestream là nên làm và đúng ra đã phải làm từ lâu. Dự thảo ban hành quy định quản lý hoạt động livestream sẽ là bước khởi đầu cho nhiều chính sách khác, buộc các nền tảng phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo nội dung.
Tuy nhiên, Nhà nước nên có hành lang pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ nội dung số phát triển. Riêng với chính sách quản lý livestream, nên có cơ chế thử nghiệm để thị trường được cởi mở hơn và tự đào thải những hành vi phản cảm.
Theo iResearch - công ty nghiên cứu thị trường của Trung Quốc, ngành công nghiệp livestream đã có hơn 10,32 triệu tài khoản mới được tạo trên các nền tảng phát trực tiếp và video ngắn tại Trung Quốc, tạo ra doanh thu 480 tỷ USD trong năm 2022. Tháng 3/2023, Thâm Quyến đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm livestream bán hàng trực tuyến mang quy mô toàn cầu, được kỳ vọng có thể tạo ra doanh số 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 43,7 tỷ USD) vào năm 2025. |
Tác giả: Tú Ân
Nguồn tin: baodautu.vn