Xã hội

“Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm”

“Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. Đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là chuyện "chạy". Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch…”- đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Ảnh: Quochoi.vn)

Bài phát biểu của ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội - thu hút sự chú ý nhất trong buổi sáng 9/6 khi Quốc hội thảo luận, đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Chỉ ra hàng loạt những vấn đề bất an hiện nay của xã hội, đại biểu Phong đặt vấn đề tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính, trong khi có cả hệ thống chính trị. Còn vấn nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa được chặn đứng, gây bức xúc lớn trong nhân dân. Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô chưa cao, các yếu tố tăng trưởng chưa rõ nét.

“Hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao, theo chỉ số trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ, xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%, mức bộ chi gấp 3 lần tăng trưởng, nghĩa là làm 1 đồng ăn 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ tăng kết quả trưởng GDP chưa như mong muốn”- ông Phong thẳng thắn.

Một vấn đề khác được vị đại biểu tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội.

“Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là chuyện "chạy". Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy để bỏ Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ tội phạm”- ông Phong trăn trở dẫn chứng.

Bên cạnh đó, rừng bị chặt phá nhiều, tài nguyên khoáng sản quốc gia ngày càng cạn kiệt, đất ở đất sản xuất cho đồng bào sản xuất không có, trong khi đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh thu tô. An toàn sống, bữa cơm trong nhà lo ngại vì thực phẩm không an toàn, ra đường bất an vì tai nạn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì sợ vạ lây.

“Còn nhiều vấn đề bức xúc nhưng tôi xin nêu 6 vấn đề bất an như vậy để Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong điều hành phát triển kinh tế -xã hội của đất nước” - đại biểu Đặng Thuần Phong kiến nghị.

Xin trao đổi thêm với đại biểu Phong, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định, Đảng và Trung ương đã có những chỉ đạo xử lý tham nhũng, xử lý người đứng đầu rất nghiêm túc.

“Có thể chưa được như mong muốn của chúng ta và nhân dân nhưng khi tôi tiếp xúc cử tri thì cử tri bày tỏ thái độ rất hoan nghênh, cho thấy hiệu ứng đang rất tốt. Cả hệ thống chính trị đang rất quyết tâm, thể hiện ý chí chính trị để dân tin, đất nước phát triển. TPHCM cũng thực hiện rất mạnh mẽ vấn đề này”- bà Tâm nói.

Đề nghị Bộ Y tế tổng rà soát việc tổ chức chạy thận
Dẫn lại hàng loạt vấn đề xảy ra trong thời gian qua, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) khẳng định tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh viện ngoài công lập đang rất lớn. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua đã bị Kiểm toán Nhà nước kết luận “có nhiều vấn đề”. Trong khi đó, sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra ở tỉnh Hoà Bình vừa qua đã khiến 8 người chạy thận nhân tạo tử vong, 10 bệnh viện phải chuyển về Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
“Tôi đề nghi Bộ Y tế chỉ đạo tập trung, rà soát lại toàn bộ quy trình chạy thận nhân tạo, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, công tác chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở y tế. Y tế dự phòng có nhiều tiến bộ nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức mới, lây nhiễm ngày càng gia tăng gây nên gánh nặng cho gia đình và xã hội”- bà Yến nói.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP