Xã hội

Đổ nợ vì chạy theo nông thôn mới: Phải biết huy động sức dân

Nhờ biết huy động nội lực trong dân, phát huy được phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều địa phương đã thực hiện thành công mô hình nông thôn mới, thoát khỏi nợ nần và bứt phá đi lên

Đổ nợ vì chạy theo nông thôn mới

Khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi chung là Chương trình NTM), Chính phủ lưu ý các địa phương không được chạy theo chỉ tiêu, hình thức và không để xảy ra tình trạng nợ đọng, tạo gánh nặng cho người dân. Việc bán đất để tìm vốn đối ứng, trả nợ đang xảy ra ở nhiều địa phương phải được xem là bài học lớn.

Chỉ biết bán đất trả nợ!

Hầu hết các xã NTM ở tỉnh Nghệ An đang phải gồng mình gánh nợ. Điển hình là xã Nam Giang (huyện Nam Đàn), bên cạnh những mặt tích cực khi cán đích NTM từ năm 2014, xã đã trở thành “con nợ bất đắc dĩ” của các nhà thầu.

“Nợ 6,1 tỉ đồng gần 2 năm nay song chúng tôi chưa có nguồn để trả vì quỹ đất cũng không còn mà bán. Chúng tôi đã làm tờ trình xin huyện, tỉnh hỗ trợ nhưng chưa có kết quả” - ông Phan Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Giang, phân trần.

phai biet huy dong suc dan
Xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), xã đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn nông thôn mới, đã có nhiều đổi thay Ảnh: Ca Linh

Để có tiền trả khoản nợ xây dựng công trình NTM 14 tỉ đồng từ 2 năm nay, ông Trần Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hưng Tiến (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), cho biết phương án mà xã đưa ra là xin huyện, tỉnh bán đấu giá đất.

Không phải xã nào cũng có đất để bán, thậm chí khi quỹ đất đã hết mà nợ vẫn chưa trả xong. Chẳng hạn, xã Thịnh Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) sau khi đạt chuẩn NTM đã ôm nợ khoảng 20 tỉ đồng. Bị các nhà thầu thúc ép trả nợ, xã đã phải bán đấu giá 86 nền đất, đồng thời kêu gọi mỗi hộ dân đóng góp 2 triệu đồng nhưng đến nay vẫn còn nợ trên 13 tỉ đồng.

Chuyện nợ nần do chạy đua xây dựng NTM - chưa kể việc đầu tư dàn trải, lãng phí - còn diễn ra ở nhiều tỉnh khác như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế… Về nguyên nhân, ngoài cách làm nóng vội, tính toán không phù hợp của các địa phương, theo giới chuyên môn, tình trạng này một phần còn do vướng mắc từ cơ chế.

“Nguồn vốn hằng năm phân bổ trực tiếp cho chương trình còn hạn chế, bình quân 2 tỉ đồng/xã/năm. Trong khi đó, ở một số tiêu chí hạ tầng, trung ương quy định tỉ lệ cao, như: 100% nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn, 70% kênh mương được bê tông hóa, 50% hộ dân sử dụng nước sạch… Vì thế, buộc lòng các xã phải “chạy theo”, từ đó xảy ra nợ đọng” - ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Quảng Nam, lý giải.

Thấy lợi, dân mới tin

Theo Văn phòng điều phối Chương trình NTM trung ương, tính đến hết tháng 2-2016, cả nước có 1.761 xã (chiếm 19,7%) đạt chuẩn NTM. Mục tiêu đến năm 2020 là số xã đạt chuẩn NTM tăng lên 50%; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Tại hội nghị mới đây ở TP Cần Thơ, Văn phòng điều phối Chương trình NTM trung ương yêu cầu các địa phương phải khắc phục cho được nợ đọng trong xây dựng NTM; tận dụng tốt các nguồn lực, nội lực trong nhân dân. Thực tế, thời gian qua, nhờ quán triệt tốt chủ trương này cũng như phát huy được phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều địa phương đã thực hiện thành công mô hình NTM.

Từ năm 2012, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành văn bản quán triệt việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp ra đời để làm đầu tàu thực hiện. Hội đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện tiêu chí về xây dựng giao thông nông thôn khi vận động, tổ chức thi công hơn 260 cầu bê-tông cốt thép và hơn 300 km đường nông thôn với số vốn, công sức huy động lên tới trên 160 tỉ đồng.

“Cầu đường nông thôn do Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường trực tiếp làm, không tốn chi phí nhân công, thiết kế, giám sát nên giá công trình bình quân chỉ bằng 50% so với dự toán… Đầu tư thấp nhưng công trình có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu dân sinh, tạo được lòng tin của người dân, thu hút được nhiều nguồn tài trợ cho xây dựng NTM” - một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhận xét.

Ngay tại Nghệ An, trong khi phần đông các xã NTM đều loay hoay khắc phục tình trạng nợ đọng thì nhờ biết cách huy động sức dân, xã Yên Khê (huyện Con Cuông) đã bứt phá đi lên. Năm 2011, Yên Khê chỉ đạt 5/19 tiêu chí về xây dựng NTM nhưng đến tháng 1-2016 đã trở thành xã đầu tiên của huyện Con Cuông hoàn thành cả 19 tiêu chí.

“Việc xây dựng NTM ở Yên Khê không phải là cuộc chạy đua làm trụ sở, nhà văn hóa... hoành tráng mà tập trung vào việc phát triển các mô hình kinh tế, phát huy nội lực trong nhân dân. Nhờ vậy, Yên Khê trở thành vùng chuyên canh trồng cam và chè lớn nhất của huyện. Toàn xã hiện có 78 mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, thu nhập bình quân của người dân đạt 19 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,98%” - một lãnh đạo xã cho biết.

Thêm một cái hay ở xã miền núi này là người dân không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sợ hỗ trợ của nhà nước mà tự giác vươn lên. Mới đây, 217 hộ dân của xã Yên Khê đã tự giác viết đơn xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo.


Ông Trần Văn Môn, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới trung ương:

Sớm khắc phục những hạn chế, vướng mắc

Qua 5 năm triển khai Chương trình NTM, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Đó là sự chênh lệch về kết quả thực hiện NTM giữa các vùng miền; phát triển sản xuất ở các xã NTM có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún; thiếu mô hình liên kết theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thiếu cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện của chương trình. Bên cạnh đó, vẫn còn biểu hiện chạy theo thành tích để sớm đạt chuẩn NTM. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM tại nhiều địa phương chưa xử lý dứt điểm…

Những bất cập, hạn chế trên cần phải sớm có biện pháp khắc phục. Phải giải quyết cho được vướng mắc về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, giám sát xây dựng NTM.
C.Linh ghi

Tác giả bài viết: Ca Linh - Đức Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP