Trong nước

DNNN vay không trả được thì phá sản, không chuyển nợ sang Nhà nước

"Đúng ra có luật phải hạn chế được nợ công tăng nhanh nhưng lý do tại sao có luật, nợ công lại tăng nhanh?", Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có những quy định phức tạp.

“Luật này có giải quyết được bất cập của thực trạng hiện hành không? Từ khi có luật năm 2009 đến nay, đúng ra có luật phải hạn chế được nợ công tăng nhanh nhưng lý do tại sao có luật, nợ công lại tăng nhanh? Do tổ chức thực hiện luật hay bản thân luật có vấn đề? Nếu lỗi do luật thì ở vấn đề nào và luật sửa đổi có khắc phục được?”, bà Nga đưa ra một loạt câu hỏi.

Đây cũng chính là sự quan tâm của nhiều thành viên ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) khi cho ý kiến vào dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ngày 20/3.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp thứ 8 của UBTV QH. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bổ sung 3 chương mới quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; về đảm bảo khả năng trả nợ công.

Ủy ban Thường vụ nhất trí với việc cần sửa đổi luật, nhưng có nhiều ý kiến băn khoăn về cách tính nợ công hiện hành; tính thống nhất của dự thảo so với các luật khác, nhất là nhóm luật liên quan đến quản lý tài chính; các ngành đã thống nhất về quản lý Nhà nước, trách nhiệm, thẩm quyền của các ngành, có bị chia cắt trong quản lý Nhà nước hay không và về vấn đề vốn ODA.

“Cho đến giờ tôi thực sự vẫn chưa yên tâm về quy trình và quyết định giám sát ODA của chúng ta. Với luật này có giải quyết được vấn đề chia cắt trong quản lý ODA và Chính phủ có thực sự yên tâm về quy trình quyết định giám sát ODA hay không?”, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp đặt tiếp câu hỏi.

Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ băn khoăn: “Bảo hiểm đối chiếu trong dự luật có được coi là nợ công? Nếu không phải thì là nợ gì?”.

Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị định nghĩa rõ về khu vực công đến tài chính công và nợ công. Nếu xếp doanh nghiệp Nhà nước và cả Ngân hàng Nhà nước vào khu vực công, nợ dù có bảo lãnh hay không cũng là nợ công. Khi những doanh nghiệp này phá sản, Nhà nước phải bảo lãnh và trả nợ. Vinashin, Vinaline khi phá sản thì Chính phủ phải trả nợ. “Nợ của Vinashin thì ai trả? Chính phủ phải trả”, ông Bình nói.

“Nếu cho Vinashin phá sản thì Chính phủ chỉ chịu phần Chính phủ bảo lãnh thôi, do chủ quan nên mới xử lý như vừa rồi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hồi âm.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng trả lời một số vấn đề UBTV quan tâm. Bộ trưởng cho biết: "Từ khi có luật, nợ công tăng lên hơn 2 lần. Tăng như vậy nhưng có thể không phải như vậy, liên quan đến cách tính của chúng ta. Vậy với cách tính mới này thì trên thế giới có bao nhiêu nước tính giống chúng ta?".

"Giai đoạn 2011- 2015, kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,5-7% nhưng thực tế chỉ đạt 5,9% thôi, trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu khác như an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông, nên trong thời gian dài bội chi rất cao, chưa kể còn phát hành thêm trái phiếu", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh giá trị GDP thực tế đều hụt so với dự báo, trong khi điều hành theo kế hoạch, tức là khả năng có hạn nhưng chi tiêu theo nhu cầu. Và như thế thì “nợ công tăng nhanh là đúng”, Bộ trưởng khẳng định.

Vẫn theo Bộ trưởng Dũng, trong giai đoạn 2011- 2013, thời gian huy động vốn quá ngắn, lãi suất quá cao, có khoản vay đến 12 - 13%, nên áp lực trả nợ dồn sang 2016 - 2017.

“Như thế thì năm nào nợ công cũng cao, làm sao mà quản chặt được, nếu không nhìn thẳng vào sự thật thì nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao là đúng. Và không khắc phục được nếu cứ để thế này”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói về việc sửa đổi luật lần này: “Quan điểm là các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, Chính phủ bảo lãnh mới tính vào nợ công, còn lại doanh nghiệp tự vay tự trả. Nếu doanh nghiệp vay không trả được thì cho phá sản, không có chuyện chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ Nhà nước. Chúng tôi khảo sát 40 nước, hầu hết người ta không tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công”.

Tác giả bài viết: Dương Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP