Bạn cần biết

Điều trị kịp thời khi mắc sởi để tránh biến chứng dẫn đến tử vong

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 311 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, chủ yếu ở thị xã Phú Mỹ (125 ca), thành phố Vũng Tàu (99 ca). Trong số này, hơn 80% trường hợp chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Các trường hợp sốt phát ban nghi sởi chủ yếu ở nhóm tuổi từ 5 tuổi trở xuống, tuy nhiên, có sự gia tăng ở nhóm 6 đến 16 tuổi. Ngoài ra, tại tỉnh còn ghi nhận một số người lớn mắc sởi và chưa có ai tiêm vaccine phòng bệnh.

Đáng chú ý, ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sởi (1 người lớn và 1 trẻ em). Đó là bệnh nhân N.T.B.N (sinh năm 1992, ở phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ), chưa tiêm vaccnie sởi; ca bệnh tử vong ngày 5/11. Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi 2 tuổi P.K.L (ngụ phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa). Do bị bệnh nền tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh sởi nặng nên bé đã tử vong ngày 8/12 tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa đang tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sốt phát ban nghi sởi đã phát hiện và ca mắc mới. Cùng với đó, rà soát số trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi, động viên khuyến khích gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh; rà soát các trường hợp phát ban nghi sởi tính từ ngày sau khi phát ban còn thời hiệu để lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời xử lý ổ dịch; tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch ở trường học trên địa bàn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch. Bệnh lan truyền nhanh chóng qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước bắn ra từ mũi hoặc miệng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi, cũng như qua tiếp xúc với các bề mặt mà virus đã lưu lại. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.

Người mắc sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, phát ban. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... và có thể tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó để chủ động phòng bệnh, người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại sởi mũi 2 + rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt là không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Tác giả: Hoàng Nhị

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP