Theo Thế giới Di động, một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng rất khó bị nhiễm virus hơn nhiều so với máy tính. Nhưng một khi điện thoại đã bị nhiễm virus thì sẽ làm cho máy chạy rất chậm, gặp lỗi thường xuyên. Nếu không kịp thời xử lý điện thoại còn hư hỏng dẫn tới sập nguồn.
Dấu hiệu nhận biết điện thoại bị nhiễm virus đó là bỗng dưng thấy điện thoại rung mạnh; có âm báo lạ, xuất hiện những hình ảnh gợi cảm. Và trên màn hình hiển thị cửa sổ mới với các dòng chữ như: “Điện thoại đang bị nhiễm virus cần phải quét ngay”, “Điện thoại Android của bạn quá cũ nên nâng cấp phần mềm mới ngay”, “Máy của bạn quá chậm nên download phần mềm mới về”,...
Điện thoại nhiễm virus tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Ngoài ra, điện thoại thường xuyên bị giật (lag), treo máy, chạy chậm, máy hay bị nóng, nhanh hết pin,... Thực chất, các thông báo như thế đều là do hacker giả mạo để bạn thực hiện theo hướng dẫn và mắc bẫy của chúng.
Một khi người dùng làm theo những gì hacker hướng dẫn chúng có thể đính kèm phần mềm gián điệp, mã độc hay virus vào điện thoại khi người dùng cài đặt một ứng dụng nào đó. Theo đó, các thông tin quan trọng như mật khẩu tài khoản tín dụng, facebook, gmail,... hay tài liệu mật công ty, các mối quan hệ riêng tư,... đều dễ dàng trở thành các món hời để hacker bán cho kẻ xấu hoặc tống tiền người dùng.
Do đó, trường hợp nếu điện thoại bị nhiễm virus giải pháp đầu tiên là hãy reset lại máy để diệt virus trên điện thoại của mình. Giải pháp này sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên máy và đưa thiết bị của mình về tình trạng nguyên bản của nhà sản xuất.
Ngoài ra người dùng cũng có thể tải một ứng dụng diệt virus trên cừa hàng ứng dụng để diệt virus trên điện thoại. Hiện nay có nhiều ứng dụng diệt virus miễn phí dành cho Android có khả năng phát hiện và gỡ bỏ các ứng dụng nhiễm độc.
Ngoài ra để đảm bảo điện thoại không bị virus tấn công người dùng không nên cài các ứng dụng không thuộc Google Play vì nó có nguồn gốc không rõ ràng. Chỉ cài đặt khi hoàn toàn hiểu rõ về ứng dụng.
Không nên sử dụng các ứng dụng đạo nhái (các ứng dụng từ nhà sản xuất không tên tuổi hoặc không thực hiện đúng chức năng) vì khả năng cao chúng có chứa virus hoặc mã độc.
Cần kiểm soát quyền truy cập của ứng dụng. Không nên cài các ứng dụng có quyền admin. Nên cập nhật Android thường xuyên để đảm bảo khả năng bảo mật.
Tác giả: An Dương
Nguồn tin: vietQ.vn