Không chỉ bán điện thoại di động, Công ty Nhật Cường còn đang triển khai một loạt dự án công trực tuyến tại Hà Nội. ẢNH: TRẦN CƯỜNG |
Buôn lậu, trốn thuế chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” Nhật Cường, công ty này còn đang quản trị, lưu giữ một loạt cơ sở dữ liệu quan trọng của hàng triệu người dân Hà Nội từ hồ sơ sức khỏe, dịch vụ công, phần mềm quản lý giáo dục, y tế...
Dù Hà Nội đã liên tục yêu cầu bàn giao, song công ty này vẫn vin vào đủ lý do để lùi thời hạn cho đến trước thời điểm bị khởi tố về hành vi buôn lậu, trốn thuế.
Mọi dự án đều tìm đến... Nhật Cường
Đi lên từ cửa hàng sửa chữa điện thoại, ông chủ Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) - Bùi Quang Huy sớm đẩy thương hiệu Nhật Cường Mobile nổi đình đám với 9 cửa hàng điện thoại ngự ở các vị trí đất vàng của Hà Nội.
Năm 2011, ít ai biết Nhật Cường còn lấn sân sang lĩnh vực công nghệ với những sản phẩm đầu tay cho Hà Nội như: cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp. Đây đều là những dự án “số hóa” dữ liệu quan trọng do Công an Hà Nội, cũng như UBND Hà Nội đứng ra chủ trì.
Việc Nhật Cường đứng ra viết phần mềm, số hóa các dữ liệu, dịch vụ này song chưa bàn giao quyền vận hành hệ thống, mạng - bảo mật kiến trúc chi tiết tổng thể, an toàn thông tin và giám sát hệ thống là vô cùng rủi ro. Một khi những dữ liệu này bị lộ lọt, đánh cắp sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho cả người dân và quốc gia. |
Có được bước đệm đầu tiên, Nhật Cường tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng lớn hơn. Trung tâm công nghệ thông tin được tách ra để thành lập một pháp nhân mới, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường software) vẫn do Bùi Quang Huy làm tổng giám đốc. Đáng nói là không phải các “đại gia” công nghệ như tập đoàn FPT, Viettel... được lựa chọn để xây dựng nền móng hiện thực hóa giấc mơ “thủ đô điện tử”, Hà Nội lại lựa chọn Nhật Cường với một loạt dự án chuyển tiếp như: hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố; hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khỏe toàn dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3.
Trong đó, đáng chú ý là dự án viết phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.
Ngày 22.11.2016, Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh, phân bổ kinh phí giao cho các huyện, thị xã để mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn. Dự án có kinh phí khoảng 21 tỉ đồng, sau đó đã được giảm dự toán theo hình thức thuê dịch vụ phần mềm xuống còn hơn 10,7 tỉ đồng. Chỉ sau đó hơn 2 tuần, ngày 6.12.2016, Hà Nội ban hành Quyết định 6699/QĐ-UBND với nội dung “Thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp” lựa chọn Nhật Cường làm đơn vị triển khai.
Trong lĩnh vực giáo dục, vào tháng 5.2018, Sở GD-ĐT Hà Nội lập dự toán chi phí thuê dịch vụ CNTT của ngành với tổng kinh phí đề xuất hơn 93 tỉ đồng để triển khai các dự án. Trong đó chi phí dịch vụ phần mềm là 73,5 tỉ đồng bao gồm: thuê phần mềm sổ liên lạc điểm, phần mềm sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý giáo dục tiểu học. Nhật Cường cũng bắt tay vào dự án này.
Dự án to hay nhỏ, viết phần mềm hay mua thiết bị Nhật Cường cũng đều có phần. Ngày 27.12.2017, Nhật Cường tiếp tục được ưu ái gói Hợp đồng kinh tế số 271/HĐKT/NC/TTDL. Gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến thuộc dự án “Mua sắm, cài đặt phần mềm antivirus và mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến”. Giá trị của hợp đồng này gần 4,2 tỉ đồng để mua sắm thiết bị, máy chụp tài liệu...
Thoái thác bàn giao dữ liệu
Có thể nói, Nhật Cường đã tham gia vào hầu hết công đoạn, xây dựng nền móng để Hà Nội triển khai chính quyền điện tử từ cơ sở dữ liệu dân cư; phần mềm dịch vụ công trực tuyến; phần mềm một cửa điện tử. Tất cả các sản phẩm của công ty này đã và đang phục vụ lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội với tỷ lệ trực tuyến lên đến 80%, cộng đồng người dùng lớn gồm hơn 7 triệu người dân thành phố Hà Nội, hơn 2.700 trường học, hơn 1,7 triệu học sinh, hơn 6 triệu hồ sơ bệnh án điện tử...
Những dữ liệu đó vẫn đang được Nhật Cường kiểm soát bởi “hàng rào”, hệ thống bảo mật do mình viết ra. Khi Hà Nội yêu cầu bàn giao lại để tích hợp các phần mềm này vào hệ thống tập trung của Trung tâm dữ liệu nhà nước, Nhật Cường vẫn vin vào nhiều lý do để thoái thác.
Ngày 6.4.2018, Trung tâm dữ liệu Hà Nội đã gửi văn bản yêu cầu Nhật Cường bàn giao bản vẽ thiết kế mô hình mạng, bản vẽ thiết kế chi tiết và các thông số cấu hình kỹ thuật của hệ thống thiết bị đang được lắp đặt, cài đặt tại trung tâm dữ liệu của thành phố (dịch vụ công cấp độ 3, các phần mềm y tế, giáo dục...); chuyển giao, bàn giao các tài khoản quản trị hệ thống hạ tầng thiết bị máy chủ, lưu trữ, mạng và bảo mật. Đồng thời đề xuất phương án phối hợp giữa Trung tâm dữ liệu nhà nước và Nhật Cường trong việc sử dụng hạ tầng của trung tâm để đảm bảo hoạt động của hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và các phần mềm chung của thành phố. Thời gian bàn giao trước ngày 30.4.2018.
Tuy nhiên đến tháng 7.2018, công ty này mới có phản hồi, thông báo mới chỉ xây dựng nội dung kế hoạch đào tạo, hướng dẫn sử dụng, chuyển giao quyền quản trị, vận hành cho hệ thống, đào tạo cán bộ cho trung tâm dữ liệu. Việc bàn giao được hứa chia làm 5 giai đoạn.
Tháng 10.2018, Trung tâm dữ liệu Hà Nội lại tiếp tục ra văn bản lần 2, đề nghị Nhật Cường chuyển giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu. Thời hạn cho lần này trước ngày 25.10.2018.
Tháng 12.2018, Nhật Cường gửi thông báo cho biết chỉ mới đào tạo, hướng dẫn quản trị và vận hành hệ thống cho cán bộ của trung tâm. Còn lại chưa thể chuyển giao: mạng - bảo mật kiến trúc chi tiết tổng thể và tài liệu cấu hình chi tiết hệ thống; an toàn thông tin và giám sát hệ thống; các máy chủ, ứng dụng gồm tài khoản đăng nhập tất cả các máy chủ và thiết bị; quyền vận hành hệ thống sau khi đào tạo. Lý do vì Hà Nội đang có kế hoạch nâng cấp, bổ sung hạ tầng và triển khai các hệ thống phần mềm dịch vụ công, do đó phải triển khai thêm các giải pháp nền tảng khác trên hệ thống. Vì vậy, công ty này tiếp tục lùi lịch tập huấn và bàn giao vận hành hệ thống sang tháng 3.2019.
Trung tâm dữ liệu có thể xem như bộ não của cả thành phố điện tử, trong đó chứa đựng toàn bộ các cơ sở dữ liệu quan trọng của người dân, của chính quyền. Việc Nhật Cường đứng ra viết phần mềm, số hóa các dữ liệu, dịch vụ này song chưa bàn giao quyền vận hành hệ thống, mạng - bảo mật kiến trúc chi tiết tổng thể, an toàn thông tin và giám sát hệ thống là vô cùng rủi ro. Một khi những dữ liệu này bị lộ lọt, đánh cắp sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho cả người dân và quốc gia.
Mô hình để “học hỏi” Khi Hà Nội triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự đô thị, không phải các “ông lớn” mà vẫn là Nhật Cường tiên phong. Tháng 3.2017, dự án bắt đầu thí điểm lắp đặt tại 2 phường Bồ Đề và Gia Thụy (Q.Long Biên). Đến nay, đã lập dự án lắp đặt hàng trăm camera phủ khắp các tuyến đường, khu dân cư trên trên địa bàn. Sau Q.Long Biên, Q.Hai Bà Trưng cũng triển khai. Dự án được lãnh đạo Q.Hai Bà Trưng báo cáo lãnh đạo Hà Nội. Chủ đầu tư là Công an Q.Hai Bà Trưng và nhà thầu lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng là CTCP dịch vụ và công nghệ IOT. Mua sắm, lắp đặt hệ thống camera giám sát với quy mô 153 camera quay quét, 149 camera cố định tại các điểm nóng giao thông và trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn 20 phường. Giá trị dự toán xây dựng công trình hơn 29,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại cuộc họp phương án này đã không được đồng ý. Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu Q.Hai Bà Trưng “học hỏi” mô hình của Long Biên, địa bàn mà Nhật Cường đã triển khai thí điểm. |
Tác giả: Anh Vũ
Nguồn tin: Báo Thanh Niên