Kỳ 2: (kỳ cuối): Tóm giải khổng lồ
Như đã nói ở kỳ trước, ông Nguyễn Phúc Phong (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh), là thợ săn rùa chuyên nghiệp lấy xương nấu cao, kể rằng, hàng đêm, con giải khổng lồ trú ngụ trong vụng nước sông An Châu, thuộc làng Sầy (bên kia dãy Yên Tử, thuộc đất Bắc Giang), rống như bò, khiến người dân sợ hãi, không dám ra khỏi nhà. Chẳng ai dám bén mảng đến gần cái vụng nước đó cả.
Tuy nhiên, một ngày, không rõ năm nào, chỉ biết rằng, cách nay gần 100 năm, thời Pháp thuộc, một người phụ nữ, không biết chuyện con giải, nên đến cái vụng nước kinh hãi đó và đã gặp kết cục bi thảm.
Ngày đó, ở phía Đông Bắc dãy Yên Tử, có một đơn vị giải phóng quân đóng chốt. Những người lính kháng Pháp này thoắt ẩn, thoắt hiện trong rừng Yên Tử. Làng Sầy khi đó nằm giáp ranh rừng già, nên họ thường xuyên qua lại, giao lưu với nhân dân.
Một hôm, người phụ nữ xinh đẹp, là vợ của anh lính đất cảng, lên thăm chồng, đã ở lại làng Sầy. Vì mới lên Sơn Động, chưa biết câu chuyện liên quan đến con giải, mà người dân hay gọi là con thuồng luồng, nên đã xuống vụng nước ngay ngôi miếu để tắm. Người phụ nữ này vừa lội xuống vụng nước, thì con giải nổi lên đớp, lôi tuột xuống đáy nước, mất tăm mất tích luôn.
Đêm xuống, người chồng từ rừng ra, khốc rống thảm thiết. Anh chạy ra chỗ vụng nước, nhưng chẳng thấy dấu tích gì ngoài đôi dép của vợ ở trên bờ. Mặt vụng nước tĩnh lặng. Phía ngoài, dòng nước chảy lờ đờ. Người dân làng Sầy bảo rằng, con giải đã ăn thịt người phụ nữ kia và ít nhất phải 1 tuần đến 10 ngày sau, khi đói, nó mới lại nổi lên. Mỗi lần bắt lợn, bò, ăn no, nó đều lặn mất tăm mất tích luôn.
Hận thù con giải, anh lính này đã về Hải Phòng, nhờ một thợ rèn tài ba, đánh cho 1 chiếc lưỡi câu thép rất lớn, to bằng cổ tay, lưỡi sắc bén, có cả ngạnh. Chiếc lưỡi được cột vào dây thừng làm bằng tơ tằm, cực bền, cũng to bằng cổ tay người lớn.
Anh lính đập chết một con chó to, rồi móc con chó vào lưỡi câu, ném xuống vụng nước. Đúng 1 tuần sau, như dự báo của người dân, khi đã đói bụng, con giải khổng lồ đã ngoi lên mặt nước. Thấy con chó lập lờ ven bờ, nó táp một cái rất mạnh, rồi nuốt gọn cả xác chó lẫn lưỡi.
Cụ Hờn và những người già làng Sầy chứng kiến tường tận câu chuyện ấy, nên kể rành rọt. Thời điểm câu con giải đó, cụ Hờn - người được mệnh danh là Võ Tòng diệt hổ của làng Sầy, mới khoảng 30 tuổi, cũng tham gia bắt con giải. Cụ Hờn kể rành rọt với ông Phong: Hôm đó là chiều tối, mọi người chuẩn bị sắp bữa, thì nghe thấy tiếng con giải rống lên như bò, nhưng vang hơn, to hơn nhiều lần. Rồi lại nghe tiếng anh lính kêu đã tóm được con giải, nên ông và mọi người chạy ra xem. Đoạn dây thừng buộc vào thân cây to 1 người ôm, mà thân cây cứ rung lên bần bật. Đúng là con giải đã dính lưỡi.
Con giải rống lên, lồng lộn dưới nước. Có lúc, nó bò lên bờ, nhìn đen sì, lù lù, to đúng bằng gian nhà khiến ai cũng hãi, không dám lại gần. Nó háu ăn quá, nuốt trọn cả con chó và lưỡi câu vào trong bụng, nên giãy mãi không ra được.
Con giải mắc câu cứ giãy đạp, quằn quại 1 tuần thì yếu sức, và nổi lều phều lên mặt nước. Cả làng ra kéo con giải lên bờ, nhưng không kéo nổi. Phải trưng dụng thêm 3 con trâu mộng nữa, cột thêm dây thừng mới kéo được nó lên bờ. Con giải sắp chết, không lết nổi thân nữa, cứ quào quào một buổi rồi chết hẳn. Theo lời các cụ kể lại, thì con giải đó phải nặng bằng 3 con trâu mộng, tức là cả tấn.
Người dân cùng anh lính nọ dùng dao, mổ bụng con giải, nhưng chỉ tìm thấy một phần thi thể cùng bộ quần áo của người phụ nữ xấu số nọ. Phần lớn thi thể đã bị nó tiêu hóa. Căm thù con giải, mọi người lột lấy cái mai. Hàng năm, trong những ngày lễ lạt, tưởng nhớ người phụ nữ đó, dân làng lôi cái mai ra, đóng 4 cái cọc, dùng cái mai che mưa nắng chỗ nấu ăn. Dùng xong, lại cất vào trong ngôi miếu.
Đi khoảng 120 cây số, sang phía Sơn Động, vùng đất xa xôi tận cùng của Bắc Giang, giáp với Lạng Sơn, theo mô tả hành trình của ông Phong, tôi tìm kiếm ngôi làng Sầy, bên sông An Châu, có câu chuyện rùng rợn về con giải khổng lồ. Được sự giúp đỡ của ông Lẹm, tôi đã nhanh chóng lần tìm ra câu chuyện hấp dẫn này.
Làng Sầy vẫn tên như vậy, thuộc xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động. Ông Trần Minh Tạ, 70 tuổi, Hội trưởng Người cao tuổi làng Sầy, người trông nom đình Sầy khẳng định rằng, câu chuyện con giải khổng lồ sống lâu năm ở vụng nước, và ăn thịt người là chuyện có thật. Tuy nhiên, chuyện xảy ra đã quá lâu, phải trên dưới 100 năm rồi, nên chỉ những người lớn tuổi là còn biết đến. Câu chuyện ấy cũng dần bị lãng quên, bởi vì ngôi miếu bên vụng nước đã bị phá dỡ từ 50 năm trước, không còn để lại dấu tích gì.
Theo lời ông Tạ, theo các cụ kể lại, thì người phụ nữ bị giải ăn thịt là một ả đào, rất xinh đẹp. Ngày đó, ả đào, hoặc đào hát, gọi là tơ trò, hoặc nhà tơ. Cô này lên thăm chồng, hát hay, nên dân làng mời cô hát trong đình.
Buổi chiều, cô ra chỗ vụng nước cạnh ngôi miếu, thấy “hòn đá” to, nhẵn nhụi nhô lên khỏi mặt nước, nên nhảy lên. Không ngờ, hòn đá đó là mai con giải khổng lồ. Con giải đã ăn thịt cô.
Người chồng tức giận, tóm con chó vào lưỡi câu, thả xuống vụng nước. Phải 2 ngày sau con giải mới mắc câu. Dân làng dùng nhiều trâu kéo lên bờ làng Sầy không được, vì dốc, đã sang phía bên kia sông để kéo lên. Lúc mổ bụng, thì vẫn còn quần áo, một phần thi thể người phụ nữ, nên dân làng chôn luôn lại bên kia sông, phía đối diện ngôi miếu cổ. Bây giờ, người dân vẫn gọi bãi đất bên kia sông là Bãi Tơ Trò, hoặc Bãi Trò, nơi có ngôi mộ của cô đào hát (đào hát còn gọi là tơ trò).
Ông Nguyễn Văn Bồi, năm nay ngoài 70 tuổi, từng là Bí thư xã Tuấn Đạo, cũng rành rẽ câu chuyện giải ăn thịt người, nhưng cũng chỉ là nghe các cụ kể lại. Chuyện giải ăn thịt người là có thật và đời bố ông là những người chứng kiến.
Thời ông Bồi còn nhỏ, cái vụng nước, tên là Vực Ram, giải nhiều vô số kể. Dân làng thường xuyên tóm được những con giải to bằng cái nong, cái nia, tặng cả tạ. Thời các cụ, thì vẫn có nhiều con giải to bằng cái chiếu đôi, kéo chìm cả trâu mộng bơi qua sông. Con giải ăn thịt cô gái ở Vực Ram, là con khổng lồ nhất, sống ngàn năm ở cái vực đó rồi. Nó thực sự là quái vật, ăn sâu vào tiềm thức người dân trong vùng.
Vực Ram rất sâu và lạnh. Chưa ai đo được độ sâu của nó. Phía trong Vực Ram có nhiều hang hốc ăn sâu vào lòng núi. Các cụ xưa kia đã thả cả chục quả bưởi ở chỗ Vực Ram vào mùa nước lũ. Những quả bưởi mất tích, rồi bỗng nổi lên ở đoạn sông cách Vực Ram hơn 1km, nên gọi là Bến Bưởi.
Cách nay mấy chục năm, dân làng gỡ ngôi miếu, gỡ cả đình lấy gỗ làm cầu bắc qua sông An Châu, nên giờ ngôi miếu cũng đã mất. Điều đáng tiếc là chiếc mai rùa cũng biến mất không rõ từ khi nào. Cây cầu cổ cũng đã thay bằng cầu dây văng. Bãi Tơ Trò giờ biến thành vườn cây và ngôi mộ người phụ nữ xấu sổ bị giải ăn thịt cũng đã bị san phẳng.
Câu chuyện con giải khổng lồ ăn thịt người, đã diễn ra cách nay cả trăm năm và dần biến thành huyền thoại đầy hấp dẫn, mộng mị.
Tác giả bài viết: Dương Ngọc Phạm