Trong nước

Đi tìm 'ông Ba Bị' dọa trẻ con nổi tiếng trong truyền thuyết

Được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt là tên gọi một hình người quái dị được bịa ra để doạ trẻ con nhưng rất ít người biết có hẳn một câu chuyện dài phía sau danh xưng “ông Ba Bị”.

“Không ăn ông Ba Bị đến bắt mất bây giờ”, đây có lẽ là câu nói quen thuộc mà đứa trẻ nào cũng đã từng được nghe ít nhất một lần trong suốt thời thơ ấu. Câu nói quen thuộc ấy được rất nhiều các bà, các mẹ đưa ra “doạ dẫm” mỗi lần con cháu ham chơi, biếng ăn, nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết ông Ba Bị là ai, ông từ đâu tới.

Tìm về chùa Thiên Mụ (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) những ngày này, chúng tôi được biết phía sau ngôi chùa này hiện nay vẫn còn một ngôi mộ mà người nằm dưới có liên quan trực tiếp đến danh xưng “ông Ba Bị” vốn được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian.

Ngôi mộ này được cho là nơi an nghỉ của một nhân vật có thật trong lịch sử mà sau này bị người đời gọi với danh xưng "ông Ba Bị" đê dọa nạt trẻ con .

Truyền thuyết về ông Ba Bị

Tìm hiểu sâu hơn về nhân vật đáng sợ này, chúng tôi mới hay danh xưng ông Ba Bị xuất phát từ cụm từ "Ba bị, sáu quai, mười hai con mắt" dùng để chỉ những kẻ bắt cóc trẻ con thường đi thành từng nhóm từ ngoài khơi vào đất liền các tỉnh ven biển Đàng Ngoài, giai đoạn những năm 1600.

Những kẻ này khi lên bờ thường chia thành những nhóm nhỏ, mang theo một chiếc túi to, mỗi chiếc túi có 3 quai, chúng đi vào các khu dân cư rồi bắt cóc con nít và bỏ trốn rất nhanh ra biển, khó ai đuổi kịp, gieo rắc nỗi hoang mang sợ hãi trong dân chúng.

Để cảnh cáo những đứa trẻ không được dễ dàng tin vào người lạ và nâng cao cảnh giác, người ta lấy hình ảnh một nhân vật quái dị ra để răn đe những đứa trẻ trong thôn xóm, từ đó mới hình thành danh xưng "ông Ba Bị".

Cũng có một câu chuyện khác lưu truyền trong dân gian về "người đàn ông" này là vào những năm 1608, trong khi khu vực từ Nghệ An trở ra đang chịu cảnh đói kém, mất mùa vì hạn hán thì xuất hiện một nhân vật ăn xin có ngoại hình đen đủi, gớm ghiếc, vai đeo ba cái bị lớn đi ăn xin.

Khi thấy người lớn sơ hở, ông ta thường bắt cóc trẻ con bỏ vào bị và đem đi bán. Dần dần người ta lấy hình tượng này ra để dọa những đứa trẻ không ngoan, khóc không nín sẽ bị ông Ba Bị bắt đi không được ở với bố mẹ nữa.

Những truyền thuyết về ông Ba Bị cứ được lan truyền trong dân chúng, theo thời gian, nhân vật này trở nên phổ biến và được người lớn sử dụng rất nhiều để dọa nát những đứa trẻ không nghe lời.

Ông Ba Bị có thật ở Huế

Men theo con đường bê tông bên cạnh chùa Thiên Mụ, chúng tôi bước vào khu lăng mộ phía sau chùa. Sau một hồi loay hoay tìm kiếm giữa một khu vực dày đặc những nấm mồ xi măng và đất cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được mộ của người được cho là ông Ba Bị.

Đằng trước tấm bia có dòng chữ: “Thuận Hóa Thừa Thiên húy thượng Trung hạ Đình đại lão hòa thượng chi bảo tháp”. Phía sau bảo tháp hình bát giác được xây dựng công phu, tỉ mỉ còn mới nguyên có một tấm bia được in màu đỏ nổi bật.

Trên tấm bia có trích về ông Ba Bị trong sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm như sau: “Trước khi quân Trịnh vào chiếm đóng Thuận Hóa, tại chùa Thiên Mụ đã có cuộc hỏa thiêu của Trung Đình hòa thượng. Không biết hòa thượng là người ở đâu, tên gì, thuộc thiền phái nào. Chỉ vì ngài thường trú trong các đình làng nên người ta thường gọi là Trung Đình hòa thượng.

Ngài tu theo hạnh đầu đà, thường đi khất thực lang thang ở các làng, lúc nào trên mình ngài cũng đeo ba cái bị. Một cái để đựng thức ăn mặn do người ta cúng dường, ngài chỉ nhận để cho lại người nghèo; một cái để đựng đồ ăn chay phần ngài dùng; một cái to nhất thì đi đến đâu, về đêm, ngài treo lên mái đình làng để ngồi vào trong đó.

Theo nội dung trên bia mộ của hòa thượng Trung Đình thì ông có thể chính là "ông Ba Bị" mà người đời hay gọi trong nhân gian.

Đêm trì tụng, ngày lang thang xin ăn. Áo quần không cần thiết, chỉ đóng khố, tóc để bù xù, hình dáng nhớp nhúa, trẻ em trông thấy rất sợ hãi. Dân gian vùng Thuận Hóa thường diễn tả hình ảnh ngài qua ba tiếng “ông Ba Bị”. Nhưng có ai biết trong cái hình dáng lạ kỳ, cổ quái như thế mà ngài là một thiền sư đã ngộ đạo.

Ngài đã xin chúa Nguyễn Phúc Thuần cho lập hỏa đàn ở chùa Thiên Mụ, và xin bố cáo cho dân kinh thành biết để đến dự. Mọi người vái lạy xin ngài lưu lại cho một chút di thể, ngài chỉ yên lặng đưa lên một ngón tay.

Lửa đốt, lửa bốc mạnh thành gió, đẩy mạnh chiếc mũ Quán Âm của ngài đội. Trong lửa đỏ rừng rực, thiền sư đã tự nhiên đưa tay lên để sửa lại mũ, miệng vẫn tụng niệm. Người đi dự đông như kiến cỏ, tranh nhau lấy trầm hương liệng vào hỏa đàn. Thiêu xong, quả nhiên còn một ngón tay không cháy.

Người ta nhặt ngón tay và tro còn lại, đem xây tháp thờ bên triền núi phía tây chùa Thiên Mụ. Tháp này đến nay vẫn còn tại chỗ cũ, ở phía tây ngoài vòng thành chùa hiện nay. Bốn mặt đều có khắc chữ “phù”, trên chóp có hoa sen, tháp hình vuông, cao độ 1m, tháp cổ đã hơn 200 năm.

Khi hỏi những người dân xung quanh về ngôi mộ của Trung Đình hòa thượng thì được biết cách đây 3 năm có một nhóm Phật tử đến xây dựng lại. Từ đó những người dân sống ở đây mới biết có một ngôi mộ của ông Ba Bị.

Câu chuyện về vị thiền sư đắc đạo được mệnh danh là ông Ba Bị chuyên dùng để dọa nạt trẻ con đã cuốn hút chúng tôi.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đến chùa Thiên Mụ, là nơi Trung Đình hoà thượng từng hỏa thiêu đã được ghi lại. Vô tình được một vị sư ở đây cho hay có thể Ngài Trung Đình là hòa thượng tăng cang có quan hệ với Hoàng tộc.

Đặc biệt ông Ba Bị - Trung Đình không hề đáng sợ, ghê gớm như vẻ bề ngoài, mà Ngài đặc biệt rất thương con nít và được chúng yêu quý.

(Còn tiếp)

Tác giả bài viết: Nhật Linh – Nguyễn Vương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP