Nhà tôi ở thành phố còn nhà anh ở quê, tuy nhiên hai gia đình cùng thuộc thành phần bình dân nên chúng tôi yêu nhau tìm hiểu nhau cũng gặp nhiều thuận lợi. Sau hơn 2 năm hẹn hò, bố mẹ anh mang cơi trầu đến nói chuyện, một tháng sau thì làm đám cưới.
Vì nhà trai cách nhà gái hơn 100km nên chúng tôi ăn cỗ riêng. Nhà gái ăn cỗ từ hôm trước, tổ chức ở một nhà hàng tiệc cưới hạng bình dân còn nhà trai dựng rạp luôn ở nhà và cũng thuê nấu cỗ. Phần lớn bà con làng xóm ăn từ hôm trước. Hôm sau chỉ một số ít bạn bè và họ hàng ruột thịt cùng 5 mâm mời nhà gái mà thôi.
Ngày đón dâu, nhà gái chào về mà tôi vẫn vui phớ lớ, vui vì bố mẹ chồng tâm lý, thuê nấu cỗ, thuê cả đội rửa bát, tôi chẳng phải làm gì. Về quê nhà anh cũng thích, vườn tược mát mẻ, về vài hôm lại lên thành phố thì có gì mà phải khóc với lóc.
Lúc tiệc tàn, tôi chỉ phải cùng mẹ chồng cùng với mấy dì họ chia thức ăn thừa, mẹ chồng tôi nói nhỏ: “Con có thích ăn cái gì thì giữ lại một ít, chứ không là mẹ đem giải tán chia hết đấy”.
Mấy hôm đám cưới xin chạy như cờ lông công, tôi nào có thiết tha gì. Cho hết đi xong tối ăn cơm với rau luộc là ngon nhất, nhưng chợt nhớ quê anh vốn có món giò lụa ngon nổi tiếng, tôi thỏ thẻ: “Mẹ ơi, mẹ giữ cho con mấy con miếng giò…”.
Ngày đón dâu, nhà gái chào về mà tôi vẫn vui phớ lớ, vui vì bố mẹ chồng tâm lý. (Ảnh minh họa)
Đến độ 6 giờ chiều, rạp đã dỡ, khách khứa họ hàng về hết, chồng tôi đang cong mông lau nhà còn tôi phụ giúp rửa số chén uống nước thì bố mẹ chồng tôi gọi hai đứa vào buồng. Trên giường là cái hòm mừng trái tim, cộng thêm cả mấy xấp phong bì dày cộp mà các bà cứ dúi vào tay mẹ chồng tôi gọi là “mừng hạnh phúc hai cháu”.
Bố chồng tôi đưa cho mẹ tôi quyển sổ, bảo: “Đấy, mấy mẹ con tính toán xem cỗ bàn tiền nong thế nào, tôi phải sang nhà bác cả uống chén nước chè đã”.
Mẹ chồng tôi nguýt dài: “Bố mày thì… chè với cháo. Tối rồi còn ham đi.”
Rồi bà quay sang bảo chúng tôi: “Chúng mày đều làm ở Hà Nội nên bố mẹ đặt cỗ to, cả rượu, cả bia, cả cô-ca tính ra là xấp xỉ 800 một mâm. Từ hôm qua đến nay ăn hết tất cả 119 mâm, mà mẹ đặt 120 mâm, coi như là vừa khéo. Chúng mày thấy mẹ tính giỏi không, cưới thằng Thắng là đứa đầu mà tính như thần, chỉ thừa ra có mỗi một mâm.”
Mẹ chồng tôi cười khoái chí, xong đưa quyển sổ ra trước mặt tôi: “Đây sổ đây, ghi ra xem ai mừng bao nhiêu, bạn bè chúng mày ghi riêng một trang, họ hàng ghi riêng, chòm xóm ghi riêng sau này cón biết đường mà trả nợ”.
Tôi nghĩ thầm: “Ồ, cỗ to như thế mà cả đồ uống hết có 800 nghìn, rẻ quá! Nhà hàng bình dân nhà tôi cỗ không đã vào triệu mốt một mâm rồi”.
Chồng tôi đưa cho tôi quyển sổ, bảo: “Em chữ đẹp thì ghi đi”, còn anh hì hụi bóc phong bì. Mẹ chồng tôi ngồi giám sát xem cái phong bì ấy là thuộc mục nào, họ hàng thân hay làng xóm láng giềng, mới cả bà thêm nhiệm vụ là ngồi phân loại tiền.
Đến lúc chồng tôi đọc số tiền lấy ra từ phong bì mà tôi tí ngất. Cỗ nhà người ta to nhất làng mà toàn mừng năm chục với một trăm… Chồng tôi ý chừng đoán biết tôi không hài lòng nên rào sẵn: “Ở quê mọi người chỉ mừng thế thôi, gọi là của ít lòng nhiều. Mà đám nhà mình có phúc lắm mới nhiều cụ già đến ăn đấy, chứ không phải đám nào các cụ cũng đến đâu”. Vừa nói chồng tôi vừa đọc: “Cụ Hai nhà bác Trung năm chục, cụ Tứ xóm 6 năm chục…”.
Thế rồi đêm tân hôn mà vợ chồng tức khí mỗi người ôm gối nằm một góc. (Ảnh minh họa)
Tôi nghe mà điên hết cái đầu, cả mấy sấp phong bì dày cộp mà lôi hết ruột ra vẫn còn lỗ gần 18 triệu tiền cỗ, đấy là còn mấy người họ hàng gần, rồi mấy bạn bè đi làm công ty của chồng tôi mừng mức cao kéo lại chứ không thì…
Đếm tiền xong, mẹ chồng tôi ân cần bảo: “Hãy còn tiền thuê rạp, thuê loa, rồi hoa hét, tạp phí lù hết hơn một chục nữa, chúng mày liệu mà lo nốt”. Nói rồi bà đủng đỉnh bước ra khỏi phòng, đi được mấy bước thì lại quay lại bảo: “Mẹ vẫn phần cái Thảo giò lụa trên chạn ý”.
Đến nước này thì giò gì nữa hả mẹ ơi!
Tối đến về phòng, tôi mặt nặng mày nhẹ với chồng, tôi bảo anh: “Sao quê anh đi ăn cỗ mà mừng có năm chục nghìn, cưới xong lỗ chỏng gọng, bù tiền lỗ cỗ thì lấy đâu tiền mà đi trăng mật?” Chồng tôi sau khi dỗ dành chán chê không được thì anh bảo: “Nhà mình cỗ to nhất làng mà lỗ có 18 triệu là ít đấy. Nhà bác Năm kia kìa, tháng trước cưới đặt cỗ có 500, rượu cuốc lủi tự đong mà còn lỗ đến gần 20 chục triệu”.
Tôi không chịu, bảo lỗ thế này em không chịu được. Thế rồi đêm tân hôn mà vợ chồng tức khí mỗi người ôm gối nằm một góc. Từ dưới bếp vẫn thấy tiếng mẹ tôi gọi: “Ơ con cái Thảo bảo mẹ phần giò mà không ăn à?” càng khiến tôi não cả ruột gan. Thế này là hết tuần trăng mật, hết năm son trẻ, lo làm mà trả nợ thôi.
Tác giả bài viết: Thanh Thảo
Nguồn tin: