22h đêm ở phân trại số 2, Trại giam Thanh Xuân, Bộ Công an, đóng quân trên địa bàn xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội im ắng không tiếng động. Theo quy định, giờ này các phạm nhân đã đi ngủ từ lâu. Tuy nhiên, bên trong buồng giam, nhiều người thao thức không ngủ được, đặc biệt là những người có tên trong danh sách được Chủ tịch nước quyết định đặc xá, bởi chỉ ít giờ đồng hồ nữa thôi, họ sẽ được tự do, sẽ được trở về gia đình sau những tháng ngày xa cách.
Phạm nhân tại Trại giam Thanh Xuân được đặc xá thu dọn hành trang để trở về cộng đồng. |
Từ chiều, sau khi được gọi điện về gia đình thông báo sẽ được đặc xá, phạm nhân Giàng A Thống, SN 1970, ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu cứ đi ra đi vào, nói lời chia tay với mọi người. Buổi tối, anh ta lôi quần áo ra gấp, cất vào túi vào rồi lại lôi ra gấp, cất. Bây giờ, khi các phạm nhân khác đã ngủ say, Thống lặng lẽ ngồi nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài, đèn điện bảo vệ soi sáng rõ khu giam, soi rõ nhưng con đường, những góc sân hàng ngày Thống và các phạm nhân đi lao động, chơi thể thao, tập thể dục. Anh ta bồn chồn, hết nhìn ngắm khu giam lại lặng lẽ lần những "tài sản" mình sẽ mang về.
Với tội danh mua bán trái phép chất ma tuý, án phạt 15 năm, Giàng A Thống đã ở trong trại giam 10 năm 4 tháng 19 ngày. Đây là quãng thời gian rất dài đối với một con người, đặc biệt là đối với người có hoàn cảnh khó khăn, không người thân thăm nom như Thống. Thống tham gia đường dây mua bán trái phép chất ma tuý, bị Công an TP Hà Nội bắt đầu năm 2014, thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân từ 11/11/2014 đến nay, được giảm án.
Sau hơn 4 tháng bị tạm giam và gần tròn 10 năm thi hành án ở Trại giam Thanh Xuân, rất hiếm khi anh ta có người thân đến thăm nom bởi nhà ở quá xa, lại nghèo nên không có điều kiện đến thăm, gửi đồ lưu ký. Do hoàn cảnh khó khăn như vậy nên Tết nào Thống cũng được Ban Giám thị Trại giam Thanh Xuân tặng quà, động viên để yên tâm cải tạo.
Anh ta cho biết, trong hơn 10 năm thi hành án, bố mẹ mất anh ta không về thắp hương được nên rất buồn. Do đã cách li xã hội lâu nên không biết cuộc sống bây giờ thế nào nhưng với nghề mộc học được trong trại giam, khi về sẽ làm thuê cho xưởng mộc ở xã để sinh sống, không bao giờ dính vào ma tuý nữa. "Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, vợ ốm yếu, chỉ làm ruộng. Các con cũng chưa đứa nào lập gia đình nên lần này về, tôi cố gắng làm ăn để có kinh tế cưới vợ cho con".
Để Giàng A Thống yên tâm cải tạo, các cán bộ Trại giam Thanh Xuân thường xuyên động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho anh ta và các phạm nhân khác. Chính vì thế, gần 10 năm thi hành án ở đây, Thống luôn được xếp loại cải tạo khá, tốt. Anh cho biết, ở trại được ăn ngon hơn ở nhà, khi ốm có cán bộ cho thuốc ngay, lại còn được Ban Giám thị tặng quà.
"Tôi mong được về nhà vì còn lao động đỡ đần cho vợ con. Ngoài ra, được tự do đi đâu cũng được thì thích hơn" - Thống chia sẻ. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên ai cho gì Thống cũng nhận, từ đôi dép cũ, quần áo cũ đến chăn, màn, lọ dầu gội, chai nước mắm… Anh ta xin cán bộ cái túi thật to để đựng hết tài sản mang về. "Quần áo cũ nhưng còn tốt lắm, tôi về còn dùng được vài năm" - Thống hồ hởi nói.
Được đặc xá dịp này, phạm nhân Ngô Ngọc Lâm sẽ được về trước 11 tháng. Đây là điều vô cùng ý nghĩa để Lâm có thể thực hiện ước mơ của mình sớm hơn, tìm một công việc chân chính, chăm lo cho bố mẹ, chuộc lại những lỗi lầm. Ngô Ngọc Lâm cho biết, chỉ mong có thể có được công việc chân chính, có thời gian phụng dưỡng, lo cho bố mẹ, trả giá cho những lỗi lầm của mình và sẽ không quay trở lại con đường vi phạm pháp luật nữa.
Cũng được đặc xá đợt này, phạm nhân Đỗ Đức Trung chia sẻ, điều anh ta lo sợ nhất là sau khi đặc xá trở về, không biết xã hội sẽ đón nhận mình như thế nào, mình làm sao để cập nhật được những điều đang diễn ra ở ngoài kia, làm như thế nào để mình có được một công việc ổn định. Làm như thế nào để được xã hội đón nhận? Đối mặt ra sao với những khó khăn để hòa nhập và tìm kiếm một công việc lương thiện? Đây cũng là băn khoăn, trăn trở của rất nhiều phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá.
Các phạm nhân thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân tâm sự, khuyên nhủ nhau không tái phạm. |
Hiểu được nỗi lo đó, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đã chỉ đạo các trại giam tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, dạy kiến thức pháp luật, các kỹ năng hòa nhập và các kiến thức pháp luật. Đặc biệt là các dự án luật có liên quan trực tiếp với cuộc sống của người dân, đặc biệt là với những phạm nhân mới chấp hành xong án phạt tù và các phạm nhân được đặc xá như: Luật Căn cước, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ…
Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành án, phạm nhân cũng được dạy nghề, thi, cấp chứng chỉ và hoàn toàn có thể sử dụng chứng chỉ này đi xin việc phù hợp với nghề mình đã được học để đảm bảo cuộc sống, tránh tâm lý chán nản, tiêu cực và tái phạm tội. Tại Trại giam Thanh Xuân, lớp tái hoà nhập cộng đồng dành cho các phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá đã hoàn thành vào giữa tháng 9.
Bên cạnh đó, ngày 26/9 vừa qua, Trại giam Thanh Xuân đã phối hợp với Công an huyện Thanh Oai làm thủ tục cấp Căn cước cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá. Theo đó, vào ngày 1/10, cùng với trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, các phạm nhân được nhận Căn cước, nhận chứng chỉ nghề, tiền hỗ trợ tàu xe và các hành trang khác để họ làm lại cuộc đời.
Thượng tá Nguyễn Bá Long, Phó Giám thị Trại giam Thanh Xuân cho biết, ngay sau khi có Quyết định đặc xá, Trại đã chủ động tuyên truyền Luật Đặc xá và Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước đến tất cả CBCS và phạm nhân để biết, nghiên cứu thực hiện nghiêm túc. Đơn vị đã niêm yết công khai Quyết định của Chủ tịch nước tại khu thăm gặp gia đình phạm nhân, phòng giam, xưởng lao động phạm nhân; đồng thời xây dựng kịch bản chương trình trên hệ thống loa truyền thanh, phổ biến những quy định về công tác đặc xá đến toàn thể phạm nhân để các phạm nhân tự liên hệ bản thân.
Ngoài việc tuyên truyền, đơn vị đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá. Sau đó, Hội đồng đặc xá của đơn vị xem xét, lập danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện đề nghị đặc xá gửi các tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn tiếp tục kiểm tra, thẩm định để chuyển lên hội đồng đặc xá cấp trên xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá.
"Đơn vị đã triển khai các hoạt động cụ thể, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Dạy nghề, dạy kỹ năng, chia sẻ động viện với những khó khăn của phạm nhân, quan trọng nhất là truyền cho họ niềm tin vào bản thân, xóa bỏ mặc cảm, vững vàng bắt đầu một cuộc sống mới" - Thượng tá Nguyễn Bá Long cho biết.
Trong 2 ngày 30/9 và ngày 1/10, hàng nghìn phạm nhân ở các cơ sở giam giữ trong cả nước trang trọng tổ chức lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho các phạm nhân. Đây chính là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời họ, đánh dấu bước ngoặt lớn, trang sách mới để họ viết tiếp những ước mơ còn dang dở của cuộc đời mình.
Tác giả: Phương Thuỷ
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân