Trong tỉnh

Đêm giá rét ở chốt tuần tra biên giới

Giữa cái rét 3 độ C, từng cơn gió lùa vào chốt gác. Những chiến sĩ biên phòng chuẩn bị đèn pin cho chuyến tuần tra băng rừng.

17h, con đường quanh co một bên là núi, một bên là vực sâu gần Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) mây mù giăng kín. Cơn mưa lất phất ngày hôm trước khiến con đường trở nên ướt nhẹp, in rõ vết bánh xe chạy về luồng xuất nhập cảnh qua biên giới.

Xa xa phía lưng chừng núi, chốt gác phòng chống dịch Covid-19 ẩn hiện giữa làn mây mờ đục. Đó là nơi những chiến sĩ áo xanh ngày đêm canh gác để ngăn người nhập cảnh trái phép.

Chốt phòng dịch giữa đại ngàn

“Đêm trên này lạnh buốt lắm, mình vào chốt nhưng nếu anh em không chịu nổi thì quay ra đồn nghỉ ngơi nhé. Trời rét 3 độ C và mưa nữa, hy vọng việc nhập cảnh trái phép không diễn ra”, đại úy Ngô Quang Hiếu, Chính trị viên phó Đồn biên phòng quốc tế Nậm Cắn, nói khi dẫn phóng viên tới chốt tuần tra dọc biên giới.

Chốt số 3 nằm gần cột mốc biên giới 405 thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Nói là gần nhất, nhưng từ Đồn biên phòng Nậm Cắn phải vượt gần 2 km đường đồi núi cheo leo, đầy đá sắc nhọn mới đến chốt này.

Dọc con đường dẫn vào chốt, lâu lâu lại thấy những người dân bản địa gùi gạo, rau măng từ trung tâm xã vào bản. Vài chiếc xe máy chở cây chuối rừng cố leo qua bãi đá nhọn trơn trượt. Gặp cán bộ biên phòng, họ vui vẻ trò chuyện với nhau bằng tiếng Mông, tiếng Khơ Mú.

Con đường dẫn lên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Xã Nậm Cắn có hai bản Tiền Tiêu và Trường Sơn giáp biên giới Việt - Lào. Người dân có nương rẫy cạnh đường biên nên họ trở thành lực lượng đặc biệt trong việc kiểm soát, ngăn chặn người lạ nhập cảnh trái phép.

Đại úy Hiếu quê huyện Nam Đàn (Nghệ An). Vợ và con gái của anh đều ở TP Vinh, cách đơn vị gần 300 km. Vì nhiệm vụ chống dịch và bảo vệ biên cương, hơn 4 tháng nay, anh chưa về nhà.

“Nhớ con, thương vợ nhưng tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp, đặc thù công việc cuối năm nên rất khó sắp xếp. Nhiều lúc gọi về, cháu cứ hỏi bố khi nào về, con nhớ bố. Khi ốm, cháu cũng làm nũng đòi bố về bế nhưng chỉ biết động viên vợ”, đại úy Hiếu tâm sự.

Sau khi vượt qua những ngọn đồi với bùn lấm và vạt đá trơn trượt, chúng tôi cũng tới chốt kiểm soát số 3 nằm vắt vẻo bên sườn núi, phía dưới là dòng suối nhỏ, nơi xác định ranh giới hai nước Việt - Lào.

Bình ắc quy và hệ thống tích điện từ năng lượng mặt trời.

Chiếc lán rộng hơn chục m2 được làm bán kiên cố bằng thép và mái tôn. Bên trong là 6 chiếc giường hai tầng, chăn chiếu gọn gàng cùng loạt bình ắc quy và máy tích điện.

Sẩm tối, nhóm cán bộ ở chốt trở về sau chuyến tuần tra. Giữa không gian hoang vu, họ chia nhau làm những công việc quen thuộc. Người chăm sóc lại những luống rau tăng gia, người nấu cơm, nhặt rau, có người xách nước từ suối lên lán để nấu nước tắm.

“Anh em trong chốt ai cũng nấu ăn giỏi. Người nào nấu cũng đảm bảo thịt chín, canh sôi. Mình già nhất nên anh em giao cho cái khoản anh nuôi cho cả nhà”, trung tá Nguyễn Văn Thành vui vẻ nói.

Mở nồi thịt kho, trung tá Thành nói giá lạnh khiến món ăn nhanh chóng đông lại. Thời tiết vùng núi giúp thức ăn ít hỏng hơn, nhưng mỗi lần ăn đều phải hâm nóng.

Trong số 5 cán bộ tại chốt, trung tá Thành là người lớn tuổi nhất. Anh vốn là cán bộ Đồn biên phòng Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Dịch bệnh phức tạp, anh được tăng cường lên Đồn biên phòng Na Ngoi ở huyện Tương Dương rồi đến Đồn biên phòng Nậm Cắn.

7 tháng qua, trung tá Thành đã luân chuyển qua 5/6 chốt trực dọc đường biên giới. Với người lính này, mỗi chốt đều có khó khăn riêng nhưng họ luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Gắn bó với màu áo xanh hàng chục năm, chuyện xa nhà với các anh là không tránh khỏi. Nhưng đợt cao điểm chống dịch lần này kéo dài, nhiều lúc, họ không thể giấu nỗi nhớ gia đình.

Với trung tá Thành, con cái anh đã lớn. Nhưng người lính áo xanh lại lo lắng cho sức khỏe của vợ. Mấy năm trước, trong một lần đi làm, vợ anh không may gặp tai nạn khiến sức khỏe yếu dần.

“Bây giờ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đành tạm gác việc riêng, động viên vợ con để toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Anh em xác định rõ nhiệm vụ với nỗ lực, quyết tâm cao nhất”, trung tá Thành nói.

Băng rừng, lội suối giữa đêm

Trời về đêm, nhiệt độ xuống thấp, sương nặng hạt rơi lộp bộp trên mái tôn lạnh lẽo. Từng cơn gió rít giữa cái lạnh 3 độ C lâu lâu lại len lỏi qua khe cửa, ùa vào căn bếp bập bùng.

Các chiến sĩ quây quần bên mâm cơm có thịt kho, cải xào, cải muối, lạc rang và món ớt rừng ngâm cay xé lưỡi.

Bữa cơm của những người lính biên phòng.

20 phút sau bữa cơm tối, 5 người lính bắt đầu tuần tra. Đêm lạnh giữa núi rừng hoang vu, tĩnh mịch, chỉ có tiếng suối len lỏi qua khe đá.

Mưa lất phất khiến con đường mòn trơn trượt. Trong ánh đèn pin le lói, 5 người bám sát nhau giữa màn sương mù dày đặc. Đôi giày lấm lem bùn đất nhưng những bước chân vẫn chắc nịch.

“Địa hình dọc tuyến biên giới phức tạp, nhiều lối mòn nên rất khó kiểm soát, nhất là những hôm trời nhiều sương”, đại úy Nguyễn Cảnh Thảo, Chốt trưởng, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Nậm Cắn, cho hay.

Theo đại úy Thảo, Nậm Cắn là địa bàn giáp biên, cạnh mốc lộ giới, cửa khẩu nên nhiều đường mòn, tiểu ngạch. Người dân 2 bản Tiền Tiêu và Trường Sơn được vận động phối hợp cùng lực lượng biên phòng trong việc tuần tra, kiểm soát nhập cảnh trái phép.

Từ tháng 12/2019, dọc biên giới Việt - Lào đoạn qua tỉnh Nghệ An, các chốt phòng dịch Covid-19 đã được dựng lên với lực lượng chủ công là biên phòng. Ban đầu, chốt chỉ được dựng tạm bằng lều bạt, không đủ che mưa, che nắng. Giờ đây, các chốt phần lớn đã được gia cố, dù chưa đủ tiện nghi sinh hoạt nhưng đã giúp cán bộ, chiến sĩ bớt vất vả.

“Ngày trước lán chỉ là tấm vải bạt căng giữa rừng, nắng thì nóng, mưa đêm ướt nhẹp, lạnh cắt da, cắt thịt. Khi lán được làm bán kiên cố, sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng, cuộc sống cán bộ chiến sĩ dần bớt khó khăn”, đại úy Thảo nói.

Hơn 2 giờ lội rừng, băng núi tuần tra 2,5 km đường biên được giao, 5 người lính trở về chốt. Họ phân công nhau thức trực, luân phiên ngả lưng khi trời dần sáng.

Đại úy Nguyễn Cảnh Thảo dẫn đầu đoàn tuần tra ngăn người vượt biên trái phép.

Đại úy Thảo có vợ là giáo viên và con nhỏ hơn 2 tuổi. Đặc thù công việc, anh vốn hay xa nhà, nay lại càng ít về thăm quê. Hơn 8 tháng từ khi có cao điểm chống dịch Covid-19, anh cùng đồng đội ở lại làm nhiệm vụ hết chốt này đến chốt khác.

Cũng từ đó đến nay, núi rừng đã trở thành nhà. Anh đành nhờ ông bà trông cháu khi vợ đi dạy học.

Trước khi ngủ, trung úy Hắp Văn Thoong gọi về hỏi thăm vợ. Nhưng cuộc gọi bị ngắt quãng do sóng chập chờn.

Vốn là người đồng bào Khơ Mú ở Tương Dương, khi thủy điện Bản Vẽ xây dựng, gia đình anh chuyển về khu tái định cư xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Nhà cách đơn vị gần 200 km, ít khi trung úy Thoong có dịp về với vợ và hai con.

Công tác xa nhà, mọi chuyện gia đình đành giao cho người vợ quản xuyến. Cô con gái mới 15 tháng tuổi cũng đành gửi nhờ ông bà ngoại. Đã hơn 5 tháng, gia đình chiến sĩ này chưa sum vầy.

“Biết là nhớ nhưng nhiệm vụ phải hoàn thành. Nhiều lúc con gái lớn gọi điện hỏi lúc nào bố về, con đi học ngoan lắm, mình chỉ biết cười rồi dặn dò con chăm ngoan, nghe lời mẹ, bố về sẽ về mua quà”, trung úy Thoong trầm ngâm.

"Nhớ người yêu nhưng nhiệm vụ là trên hết"

5h sáng, khi đất còn chưa tỏ, 5 chiến sĩ thức dậy. Nước suối lạnh như đá nhưng họ luôn phiên xuống đánh răng, rửa mặt. Mỗi người khi làm vệ sinh cá nhân lại xách thêm xô nước lên lán để dự trữ.

Cạnh chốt, một số chiến sĩ tranh thủ chăm sóc đàn gà, vườn rau tăng gia.

"Nhìn nhỏ thế thôi chứ bắt sóng khỏe phết đấy. Sáng nào, tối nào cũng mở nó ra nghe xem có ca nào nhiễm mới không. Có lần nghe nhiều quá đến nỗi chả dám mở nghe thêm", đại úy Lê Trung Thành (44 tuổi, quê huyện Nghi Lộc) khoe chiếc radio đã cũ.

Đại úy Thành thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động ở huyện Nghi Lộc. Đầu tháng 8/2020, anh được điều động tăng cường lên Đồn biên phòng Nậm Cắn thực hiện nhiệm vụ cắm chốt tuần tra, kiểm soát biên giới.

Còn thiếu úy Lầu Bá Lông (25 tuổi, ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) được xem là em út trong nhà. Nhiệm vụ thường nhật nhất của anh là ra đồn lấy chè xanh, nhu yếu phẩm.

Sinh ra ở miền núi rừng, thiếu úy Lông quá quen với việc trèo đèo, lội suối. Trước khi đến chốt số 3, chiến sĩ biên phòng này đã có thời gian làm nhiệm vụ ở một chốt giáp biên khác.

“Em còn trẻ nên luôn mong muốn cống hiến sức mình bảo vệ biên giới. Có lúc nhớ nhà, nhớ người yêu nhưng nhiệm vụ là trên hết. Tết này em xin ở lại cho các anh ở xa về thăm nhà”, Lông bày tỏ.

Sau bữa ăn sáng, những người lính tiếp tục tuần tra.

Với những người lính nơi đây, cái lạnh và sự thiếu thốn không làm họ nao núng. Điều khiến họ trăn trở là việc người dân tìm cách băng rừng để nhập cảnh trái phép.

Theo trung tá Trịnh Văn Quế, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện, xử lý 50 vụ với 77 người xuất nhập cảnh trái phép và làm thủ tục nhập cảnh, đưa đi cách ly 2.982 người trở về từ Lào.

Tác giả: Phạm Trường

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP