Trong nước

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện nay kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, người lao động hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh cùng với giá cả leo thang, do đó tăng lương tối thiểu vùng là việc cần làm ngay.

Sáng nay (12/4), Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí trước phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, phía đại diện người lao động đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ trên 7% đến trên 8%. Thời điểm tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022.

Ảnh minh họa.

Lý giải về mức đề xuất tăng lương như trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, hiện nay kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, người lao động hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh cùng với giá cả leo thang. Thời điểm này buộc phải đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, việc tăng lương sẽ là động lực giúp người lao động vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tăng lương tối thiểu vùng sẽ mang lại quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp, việc tăng lương sớm từ 1/7 là cần thiết. Ông Ngọc Duy Hiểu cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp cũng đã xác định, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

"2 năm qua, người lao động đã rất chia sẻ với doanh nghiệp, đồng hành, nỗ lực cùng với doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Về phía doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm để bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong khi đó, GDP vẫn tăng khoảng 6,0 – 6,5% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. Do đó chúng tôi cho rằng, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh gần 2 năm Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu", ông Hiểu cho biết./.

Tác giả: NT

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP