Như Dân trí đã đưa tin, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn mới đây ký ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Tại kết luận, nhiều vi phạm nghiêm trọng quy hoạch, không tính toán để đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật xã hội, điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần... cơ quan thanh tra nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (Ảnh: QH). |
Trao đổi với Dân trí bên hành lang Quốc hội về kết luận nêu trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - cho biết cơ quan này "rút kinh nghiệm và giao các phòng rà soát lại vấn đề này".
Trong khi đó, ngay sau khi kết luận thanh tra được công bố, nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ ra nhiều bất cập. KTS Trần Huy Ánh nhận xét, nhiều cái sai như "nhồi" cao ốc sau khi di dời cơ quan, không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe... đã được kết luận thanh tra chỉ ra.
Theo ông Ánh, với người dân thì thực trạng "rừng bê tông" này không xa lạ vì nó đã tồn tại hai chục năm nay giữa Thủ đô. "Là một công dân Hà Nội, tôi đã và đang nếm trải cảnh tắc đường, khói bụi mỗi khi có việc đi qua tuyến đường này. Câu hỏi đặt ra là tại sao mật độ sai sót về quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng lại tập trung cao như vậy?", ông Ánh đặt vấn đề.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cũng phải "thốt" lên khi một đoạn đường ngắn mà có đến vài chục chung cư cao tầng chót vót mọc lên. Theo ông Liên, việc xây dựng nhiều chung cư khu vực gần nội thành gây áp lực lên hệ thống giao thông, môi trường, giáo dục, an sinh xã hội.
Không những vậy, các chung cư, cao ốc hiện nay đều có xu hướng bám mặt đường để gia tăng giá trị. Điều này đã tạo ra những nút thắt khi phương tiện đổ ra cùng một lúc, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông. Hà Nội chỉ giải quyết được nhu cầu về chỗ ở cho người dân khiến các tuyến đường ngày càng hẹp, khu dân cư ngày càng chật chội. Do vậy, những khu nào mới lại chính là nơi ùn tắc nhiều nhất.
Trao đổi thêm tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng mới đây, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - cho biết, công tác thanh tra cần đảm bảo đồng thời hai yêu cầu. Đó là một mặt chỉ rõ các vi phạm, thứ hai là qua đó rút ra các biện pháp, chấn chỉnh.
Đối với loạt kết luận về quy hoạch tại các địa phương, trong đó có kết luận thanh tra khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính với hàng loạt vi phạm được chỉ rõ, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh sẽ có nhiều nhóm vấn đề được rút ra, cùng với những đề nghị, kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh các vi phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và giám sát thực hiện sau quy hoạch.
Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch, theo ông Tuấn, phải đảm bảo đúng quy trình, quy định. Và chỉ thực hiện khi xuất một trong 5 yếu tố như xuất hiện yếu tố sau: Khi có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; hình thành các dự án yếu tố có trọng điểm quốc gia; quy hoạch không thể thực hiện được; sự biến động về thủy chất, địa văn; phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, điều chỉnh quy hoạch là khái niệm rất bình thường nếu đảm bảo các yếu tố nêu trên. Và khi điều chỉnh thì cần phải làm gì, quy trình ra sao cũng đã được pháp luật quy định rõ ràng. Theo đó, việc điều chỉnh phải thực hiện nghiêm theo quy định tại điều 50, 51 của Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nhắc đến nội dung rất quan trọng khác sau thanh tra, đó là việc đôn đốc thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh… để phục vụ đông đảo người dân.
Qua một số kết luận thanh tra gần đây, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các tiện ích xã hội, cây xanh… bị thiếu rất nhiều.
"Chúng tôi sẽ có những nghiên cứu điều chỉnh việc này", ông Tuấn thông tin. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh đến sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các cấp các ngành và toàn hệ thống. Bởi "một cơ quan thanh tra, một đoàn thanh tra", theo ông Tuấn, không thể xử lý hết được.
Khu vực hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình thuộc địa giới hành chính các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Theo ranh giới đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang hai bên đường Lê Văn Lương được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3011 ngày 10/6/2016, thuộc địa giới hành chính quận Cầu Giấy, Thanh Xuân. Còn ranh giới đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo chỉnh trang hai bên đường Lê Văn Lương kéo dài (Tố Hữu) được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3740 ngày 7/7/2016 và các ô đất, đồ án quy hoạch bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc có tiếp giáp với đường Tố Hữu thuộc địa giới hành chính quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính thuộc địa giới hành chính quận Cầu Giấy, Thanh Xuân có 2 khu: 1 khu 12,8 ha do Handico 6 là chủ đầu tư. Còn lại, khu 34 ha do Vinaconex làm chủ đầu tư, ngoài ra còn có các chủ đầu tư khác. Đối với hai bên tuyến đường Nguyễn Thanh Bình, theo ranh giới các ô đất, đồ án quy hoạch xây dựng, bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc có tiếp giáp với đường Nguyễn Thanh Bình, thuộc địa giới hành chính quận Hà Đông. |
Tác giả: Nguyễn Mạnh - Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí