Bà ngoại tuổi 26
Sau một ngày mệt nhoài trên những cung đường, chân tay rã rời, tôi vẫn cố đảo vòng quanh thị trấn Mường Xén để tìm quán cơm bụi. Tình cờ, tôi gặp Hờ Y Xùa, 28 tuổi, ở bản Phà Bún, xã Huồi Tụ ngồi ăn phở bàn kế bên. Nhìn Xùa, chẳng ai đoán nổi tuổi tác. Nước da ngăm đen, tóc rõa rượi, trên trán các vết nhăn cứ xô nhau như ruộng bậc thang.
Sau dăm câu ba điều, Xùa như cởi mở hơn. Xùa vốn là người xã Nậm Cắn, nơi có cửa khẩu sầm uất bậc nhất vùng núi Kỳ Sơn. Trong một lần đi chơi chợ, Xùa gặp và yêu một chàng trai mãi ở bản Phà Bún, xã Huồi Tụ.
Ưng cái bụng, anh chàng liền đánh tiếng, bắt Xùa về làm vợ. Năm đó, Xùa mới chớm tuổi 13. Người Mông ở Kỳ Sơn bảo, đó là cái tuổi đẹp nhất để con gái lấy chồng.Thêm vài tuổi mà không anh nào ngó ngàng, coi như ế.
Năm Xùa 26 tuổi, đứa con gái đầu cũng vừa tròn 13. Cách đây 2 năm, khi đang học lớp 7, cô con gái của Xùa đem lòng yêu một chàng trai ở Nậm Cắn. Vợ chồng Xùa gật đầu, thế là hai đứa về ở với nhau, hai họ được trận say túy lúy. Xùa kể chuyện với giọng đầy hồ hởi rằng, nhìn mình thế thôi, có cháu ngoại bế 2 năm nay rồi đấy. Ở bản của Xùa, 28 tuổi mà lên chức bà ngoại thì nhiều lắm. Chỉ chớp mắt một cái, sang năm Xùa lại có đứa cháu ngoại thứ hai.
Hờ Y Xùa, 28 tuổi, người bản Phà Bún lên chức bà ngoại khi vừa 26 tuổi
Vài ngày một lần, Xùa lại nhảy xe khách từ Mường Xén xuống TP Vinh mua quần áo đem sang Lào bán. Tôi hỏi, sao đi buôn không rủ ai cho đỡ buồn lại bớt nguy hiểm. Xùa cười tủm bảo, không được đâu, trước khi đi chồng dặn rồi, ngoài bố mẹ và chồng ra, không được đi với ai hết. Đi nhanh nhanh vài ngày lại về chăm con, thăm cháu.
Vắt mũi chưa sạch
Và Bá Chiển (SN 1995), bản Huồi Ức 2, xã Huồi Tụ khăn gói lên đường vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Hai năm trước, giữa vùng đất đỏ bazan bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, Chiển đem lòng yêu cô gái người Mông tên Trịnh Thị Dợ. Khi đó, Dợ tròn 11 tuổi. Đường sá xa xôi, ông Và Nhìa Chả (bố Chiển) phải nhờ họ hàng trong đó đến xem mặt con dâu tương lai. Rồi một đám cưới cũng diễn ra, chỉ có điều, bố mẹ, anh em của chú rể đều vắng mặt.
Cưới nhau xong, Chiển mới dắt vợ về ra mắt gia đình. Ông Chả bảo, đến nay, đứa cháu nội đã gần 1 tuổi nhưng vẫn chưa gặp thông gia lần nào. Mà không biết có dịp nhìn thấy mặt nhau không. Sinh con ở cái tuổi “vắt mũi chưa sạch”, việc chăm con Dợ gần như phó mặc cho bố mẹ chồng.
Những đứa con nheo nhóc bên bà mẹ trẻ
Vợ ông Chả bảo, nó chẳng biết nuôi con đâu, đến cho con bú còn ngượng. Con ốm cũng không biết bệnh gì để chữa. Thậm chí, đứa trẻ ị đùn cũng la toáng lên gọi ông bà nội. Ông Chả lắc đầu, nó chỉ đẻ ra thôi, còn lại ông bà nuôi, nhưng bao đời nay vẫn thế, biết làm sao.
Nhắc tới chuyện tảo hôn, trưởng bản Huồi Ức 2 Và Xỉ Mùa mặt buồn rười rượi. Con gái thứ 2 của ông Mùa cũng bị thằng con trai Nậm Cắn bắt đi lúc 12 tuổi. Ông Mùa bảo, ở nhà nó nấu nồi cơm, rửa cái bát chưa xong, vậy mà… Quyết tâm thay đổi hủ tục, ông Mùa định làm đơn gửi ra xã rồi kiện lên tòa. Nhưng chưa viết nổi lá đơn, cả họ Và ở Huồi Ức 2 đã xúm lại ngăn cản.
Theo “cái lý của ngươi Mông”, nếu không cho cưới, đằng trai sẽ cử trưởng họ đứng ra “kiện” cả dòng họ đằng gái. Đồng thời, từ đó trở đi, con trai, gái họ Và ở Huồi Ức 2 sẽ bị cấm tuyệt đối chuyện yêu đương với dòng họ này ở Nậm Cắn. Nếu ai muốn qua lại, buộc phải bỏ ra 12 triệu đồng làm lễ tạ lỗi vì từng ngăn cấm hôn nhân.
Ông Và Xỉ Mùa, trưởng bản Huồi Ức 2 buồn rầu khi nhắc đến tảo hôn
Trước sức ép của dòng họ, ông Mùa đành để con gái theo chồng về Nậm Cắn. Con gái đầu của ông Mùa đang học lớp 10 dưới thị trấn Mường Xén. Lần nào ra thăm con, ông cũng đe, mày phải lo học hành, nếu yêu đương lấy chồng mà bỏ dở, mày không phải là con của bố nữa.
Phạt ai, ai phạt?
Ở vùng Kỳ Sơn, loại thảo dược kịch độc lá ngón nhiều vô biên. Biết bao chuyện đau lòng đã xảy ra liên quan tới loại lá này. Ông Mùa bảo, biết là tảo hôn đấy, nhưng hễ bố mẹ mở lời ngăn cấm là chúng tìm lá ngón để ăn, có khi chết cả đôi. Vẫn là cái lý của người Mông, nhà nào để con cái chết vì ăn lá ngón, sẽ phải chịu sự trừng phạt của cả dòng họ. Họ sẽ bị hắt hủi, xa lánh như mắc phải tội giết người.
Theo ông Mùa, riêng bản Huồi Ức 2, mỗi năm có khoảng 5 - 7 cặp vợ chồng “trẻ con” lấy nhau. Không chỉ tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết cũng diễn ra thường xuyên. Người Mông ở đây quan niệm, con anh, con chị có thể lấy nhau thoải mái, miễn là khác họ.
Anh Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch tăng cường UBND xã Huồi Tụ cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng trên chục học sinh cấp 2 bỏ học để lấy chồng. Xã ban hành hẳn nghị quyết chống tảo hôn. Gia đình nào vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
“Đề ra là vậy nhưng trước giờ có phạt được ai đâu. Nhăm nhe phạt là mấy đứa nhỏ chúng ăn lá ngón chết. Cứ vài tháng lại có một vụ ăn lá ngón tự tử vì không cho cưới”, anh Lỳ than thở. Vì vậy, xã hiếm có người nào học hết đại học, cao đẳng. Họ bảo, lúc đó thì già rồi, ế rồi ai dám lấy.
Nhắc tới chuyện tảo hôn, anh Và Bá Chày, cán bộ y tế xã Huồi Tụ thở dài, với người Mông chuyện đó gần như là đương nhiên. Mấy chục năm công tác ở trạm y tế, anh Chày chứng kiến không biết bao nhiêu vụ ăn lá ngón tự tử vì bị gia đình ngăn cấm.
Ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ ở bản Huồi Ức 2
“Chưa đủ tuổi, gia đình không cho cưới cũng rủ nhau ăn lá ngón. Bị bố mẹ mắng một câu cũng ăn lá ngón. Vợ chồng trẻ con giận dỗi cãi nhau cũng tìm lá ngón để ăn”. Anh Chày nhẩm tính, cả xã mỗi năm có khoảng trên 10 vụ như vậy. Trường hợp gia đình phát hiện sớm đưa tới trạm sơ cứu kịp thời thì qua khỏi. Cũng có trường hợp ở bản xa như Phà Sắc, hai vợ chồng trẻ con giận nhau ăn lá ngón, một mất một còn.
Những đứa trẻ sinh ra khi bố mẹ chúng chưa đủ tuổi, không có giấy chứng nhận kết hôn. Để có giấy khai sinh, buộc lòng những đứa trẻ phải mang họ của mẹ. Theo anh Hạ Bá Lỳ, với những trường hợp này, chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho các cháu đi học, được đăng ký thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sau này nếu muốn đổi tên con, bắt buộc những ông bố, bà mẹ “trẻ con” phải xuống tận Sở Tư pháp để làm thủ tục.
“Đời tôi thì chịu rồi. Mình là người đi tuyên truyền ngăn chặn nạn tảo hôn mà chính con gái lại bị bắt đi lúc 12 tuổi. Giờ tôi nói ai nghe. Mong là đến đời sau chúng nó bỏ được hủ tục này”, Trưởng bản Huồi Ức 2 Và Xỉ Mùa thở dài. |
Tác giả bài viết: Phạm Kế Toại