Vừa qua, Tổng công ty CP Vinaconex - chủ đầu tư dự án cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng dịch vụ tại lô đất N05 (gọi tắt là dự án cụm chung cư N05), phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã bàn giao quỹ bảo trì cụm chung cư N05 cho Ban quản trị sau 7 năm đi vào hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, nhiều cư dân cụm chung cư N05 cho rằng phía chủ đầu tư chây ỳ, chậm bàn giao quỹ bảo trì “khủng” hơn 72 tỷ đồng cho Ban quản trị.
Đại diện chủ đầu tư chuyển giao gần 80 tỷ đồng cho đại diện Ban Quản trị cụm chung cư N05. |
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư cho hay, dù công trình đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến tháng 11/2014, chủ đầu tư mới phối hợp với Ban đại diện tổ chức thành công Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất; Ban quản trị Cụm chung cư N05 được thành lập và được UBND quận Cầu Giấy công nhận ngày 2/12/2014.
Theo lý giải của chủ đầu tư, do thời gian này Ban Quản trị vẫn chưa kiện toàn được bộ máy, nội bộ chưa thống nhất về phương thức bàn giao quỹ bảo trì 2% của dự án cụm chung cư N05 nên đã chuyển toàn bộ số tiền Quỹ bảo trì 2% vào tài khoản có kỳ hạn tại ngân hàng.
Trên thực tế, thời gian qua tại Hà Nội tranh chấp về phí bảo trì diễn ra phổ biến, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Tại nhiều chung cư, cư dân căng băng rôn, xuống đường “đòi” chủ đầu tư trả quỹ bảo trì.
Cư dân Hồ Gươm Plaza ở Mỗ Lao (Hà Đông) do Công ty cổ phần May Hồ Gươm làm chủ đầu tư nhiều lần căng băng rôn, kiến nghị cơ quan quản lý để gây sức ép yêu cầu chủ đầu tư bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà và phải chấp nhận để đơn vị này trả lại phí bảo trì một cách nhỏ giọt.
Hay tại chung cư The Pride (Hà Đông) do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư, cư dân cũng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về hàng loạt bất cập, sai phạm. Trong đó, cư dân vô cùng bức xúc về việc chủ đầu tư cố tình trì hoãn việc thành lập Ban quản trị khi cư dẫn đã sinh sống ổn định 3 năm nay. Họ cho rằng, hành động này của chủ đầu tư là để cố tình “om” hàng chục tỷ đồng phí bảo trì của gần 2.000 căn hộ chung cư tại dự án…
Đề xuất khởi tố chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì chung cư
Vừa qua, trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ ra có hơn 215 dự án xảy ra khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, với nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư.
Cụ thể: Chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị (39/108 dự án, khoảng 36%) ; Chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng (3/108 dự án); Chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác (4/108 dự án); Chủ đầu tư không công khai, minh bạch trong việc sử dụng kinh phí bảo trì cho tòa nhà (1/108 dự án); Các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà Chủ đầu tư phải bàn giao cho Ban quản trị (6/108 dự án)....
Cư dân chung cư StarCity (81 Lê Văn Lương) đội mưa “đòi” quỹ bảo trì (tháng 8/2018) |
Cũng tại báo cáo này, Bộ Xây dựng đã điểm tên nhiều chung cư chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần phí bảo trì cho ban quản trị như tại Hà Nội: chung cư Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza…. Tại TP. HCM: dự án Hoàng Anh River View, chung cư Khánh Hội 2, chung cư The Morning Star, chung cư Investco-Babylon, New Sài Gòn…
Trước vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật.
Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
Trong khi đó, nêu ý kiến để giải quyết mâu thuẫn liên quan đến quỹ bảo trì, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, có thể không thu khoản phí bảo trì này theo % giá bán. Khi chủ đầu tư bảo hành hết 5 năm theo quy định, nếu có hỏng hóc thì lúc đó cư dân tự thỏa thuận đóng tiền để bảo trì.
Tác giả: Hồng Khanh
Nguồn tin: Báo VietNamNet